Chất xúc tác cho thiết kế sáng tạo

Cuộc sống của con người đang đối mặt với không ít thách thức: quá nhiều rác thải, trong khi tài nguyên dần cạn kiệt; quá nhiều nhà cửa và ít cây xanh, không gian công cộng… Đây là những bài toán đang đặt ra, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.

Thiết kế từ những hạn chế

Thiết kế, đặc biệt thiết kế thời trang, đang phải đối mặt với vấn đề lớn: xu hướng thời trang nhanh phát triển mạnh mẽ đang tạo ra những mối nguy hại, tổn thất nặng nề tới môi trường với hàng triệu tấn quần áo thải ra hàng năm, trong khi đó, nguồn tài nguyên đang bị sử dụng lãng phí và dần hạn hẹp. Trước tình trạng này, việc tái chế, tái sử dụng đã được đặt ra tại nhiều quốc gia. Thiết kế từ những nguyên liệu tái chế từ rác thải, tạo sản phẩm thời trang từ trang phục cũ, hay tạo ra sản phẩm với chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường… được coi là giải pháp cấp bách đối với ngành thời trang.

Những thiết kế cao cấp từ vật liệu tái chế của nhà thiết kế Võ Công Khanh. Ảnh: VN+

Những thiết kế cao cấp từ vật liệu tái chế của nhà thiết kế Võ Công Khanh. Ảnh: VN+

Nhà thiết kế Vũ Thảo, sáng lập và Giám đốc thiết kế tại Kilomet109 cho rằng: “Tái sử dụng đã khởi sinh ở Việt Nam từ xa xưa, trở thành triết lý sống của người Việt, và được duy trì, bởi chúng ta thuận tự nhiên, tận dụng các nguyên liệu xung quanh, tạo ra đời sống mới cho những đồ cũ. Điều này đã trở thành văn hóa của người Việt”.

Việt Nam có những câu tục ngữ, thành ngữ đã trở nên quen thuộc: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Liệu cơm gắp mắm”, hay “Cũ người mới ta”, nhưng để hiểu được trọn vẹn thông điệp của cổ nhân có lẽ phải sống trong những hạn chế.Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu tiếp tục chứng kiến cuộc khủng hoảng đáng báo động và kéo dài về nhiên liệu và nguyên liệu thô, buộc con người phải hướng tới một sự đổi mới toàn diện: vừa phải cắt giảm khai thác tài nguyên vừa phải tập trung tái sử dụng những gì sẵn có. Và đây chính là thời điểm để thấm thía những đúc rút quý giá trên. Việc thích nghi với những biến đổi của môi trường, đưa ra giải pháp ứng phó trước những thách thức mới vốn là bản năng sinh tồn của con người, nhưng ở giai đoạn này còn là một thực tiễn khẩn thiết.

Đồ cũ, hàng tồn, hàng lỗi, thậm chí cả những vật dụng bị bỏ đi trở thành nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho thiết kế. Tái sử dụng chúng làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô mới để tạo ra sản phẩm. Điều này kích thích sự sáng tạo và chế tác thủ công, khuyến khích những khám phá độc đáo và góp phần tạo ra những sản phẩm thú vị…

Đây là tinh thần mà cuộc thi Designed by Vietnam 2023 với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, do VietNam Design Group và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì tổ chức (từ tháng 4 - 9.2023) hướng tới, với các hạng mục dự thi: thiết kế truyền thông, thiết kế đồ nội thất, thiết kế vật dụng và trang trí, thiết kế trang phục và thiết kế công cộng.

Tạo sự cân bằng, hài hòa

Cố vấn ở hạng mục thiết kế trang phục của cuộc thi, nhà thiết kế Vũ Thảo mong muốn các thí sinh: “Sáng tạo từ tái tạo. Hãy mang đến cho sự sáng tạo một ý nghĩa mới bằng việc kết hợp của chuyên môn, ý tưởng và cả bí quyết để biến những đồ vật, chất liệu thành y phục mới lạ. Tái sử dụng, tái chế, tái cấu trúc… và mạnh dạn kết hợp cả với những chất liệu không có nguồn gốc từ thời trang nhưng có khả năng diễn đạt được tinh thần của thời trang hiệu quả”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) Lê Bá Ngọc - cố vấn ở hạng mục thiết kế vật dụng và trang trí cho rằng: các sản phẩm trang trí và quà tặng đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên từ thực vật (gỗ, mây tre lá..), đất (sét, cao lanh…), kim loại (đồng, nhôm…). Cuộc thi khuyến khích thí sinh đề xuất giải pháp thiết kế cho sản phẩm trang trí và quà tặng đáp ứng nhiều hết mức có thể các yêu cầu: sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; nâng cao hiệu suất sử dụng (tỷ lệ thu hồi) nguyên vật liệu; tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có để tạo nên các sản phẩm mới hoặc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; sử dụng nguyên vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị; khuyến khích các sản phẩm có khả năng sản xuất và đi vào cuộc sống, không chỉ là các tác phẩm đơn chiếc.

Ở hạng mục không gian công cộng ở Việt Nam, Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn nhận định, các đô thị đang có rất nhiều “hạn chế”, nằm ở hai thái cực đối lập: quá nhiều nhà cửa và quá ít cây xanh; quá nhiều phương tiện cơ giới và quá ít phương tiện - chuyển động sinh học lành mạnh; chỉ số phát thải carbon quá cao (carbon footprint); quá ít không gian - điều kiện để giải phóng chúng. Khi đưa đánh giá tiêu chuẩn về môi trường sống của con người sẽ cần phải đạt ở các ngưỡng điểm hài hòa của các tỷ lệ, mật độ, chỉ số trên tất cả phương diện vật chất và phi vật chất, thì có lẽ không gian công cộng của chúng ta đang ở các giới hạn mất cân đối lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Đề bài thiết kế công cộng được đặt ra nhằm có những thiết kế đóng vai trò giảm tải cho các vấn đề đang quá nhiều, tăng cường những yếu tố đang là quá ít, tạo ra sự cân bằng, sự hài hòa, để môi trường công cộng - nơi chốn sinh hoạt, vui chơi, gặp gỡ của mỗi cá nhân tới cả cộng đồng trở nên lành mạnh, đáng sống và bền bỉ hơn. Không chỉ nhằm vào các giải pháp thiết kế “tĩnh” - các biến đổi vật lý hay vật thể - cấu trúc đặt để ở một không gian cụ thể, hạng mục không gian công cộng còn khuyến khích thiết kế các giải pháp “động” - thiết kế hành vi, hoạt động cho con người tại chính các không gian công cộng để sinh hoạt lành mạnh hơn, con người kết nối với nhau dễ dàng và có chất lượng hơn, và môi trường “khỏe” hơn…

“Chúng tôi tin hạn chế là chất xúc tác thú vị để tạo ra không chỉ những thiết kế tốt mà là những thiết kế vĩ đại, có giá trị vượt trội” - nhà thiết kế Vũ Thảo kỳ vọng. Đó cũng là mong muốn của Ban tổ chức cuộc thi: khuyến khích hơn nữa sự sáng tạo, khám phá độc đáo trong thiết kế để tìm ra các giải pháp tạo sự cân bằng, đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/chat-xuc-tac-cho-thiet-ke-sang-tao-i327417/