ChatGPT buộc các cơ quan báo chí có nguồn thu dựa vào quảng cáo số phải thay đổi
Chatbot hỏi đáp khiến người dùng ít click hơn, làm giảm lượng truy cập và doanh thu các tờ báo. Để tồn tại, báo chí phải giảm dần sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo.
Hiện nay, Google đang mang lại 40-50% tổng lượng truy cập cho các trang tin tức. Thực tế đó khiến các tòa soạn phải đầu tư thời gian và tiền bạc cho việc tạo ra nội dung, tối ưu hóa bằng “search engine”, từ đó tăng lượng truy cập để đảm bảo nguồn thu quảng cáo.
Với sự phát triển của các chương trình trí tuệ nhân tạo, người dùng tập trung vào hỏi đáp thay vì nhấp chuột để đọc. Điều đó cũng đồng nghĩa ngày càng ít lượng truy cập cho trang tin tức. Như vậy, mặc dù các cơ quan báo chí vẫn là nguồn sản xuất nội dung chứa đựng câu trả lời, thế nhưng phần thưởng là lượng truy cập của họ lại ngày càng eo hẹp.
Sự xuất hiện của ChatGPT đã kích hoạt cuộc “chạy đua vũ trang” về trí tuệ nhân tạo. Xu hướng này đã tạo thêm sức ép với những cơ quan báo chí có nguồn thu dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo số, buộc họ phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, hiện chủ yếu có hai mô hình kinh tế báo chí số. Đó là mô hình Google-Facebook-Fogg với doanh thu chủ yếu dựa trên quảng cáo và mô hình Netflix-Fogg dựa trên việc phát triển thuê bao.
Để phát triển bền vững, các tòa soạn cần chuyển dần mô hình kinh tế từ phụ thuộc nhiều vào quảng cáo số sang mô hình hoạt động có thu phí. Đây cũng là xu hướng chung của báo chí thế giới những năm gần đây.
Theo đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, muốn làm được điều đó, các tòa soạn cần phải đáp ứng được 3 điều kiện. Đó là thương hiệu của tờ báo phải đủ mạnh, khối lượng dữ liệu phải đủ lớn để hỗ trợ AI và Machine Learning. Điều kiện thứ ba là thành phần nhân khẩu học của tập độc giả tờ báo đó phải đủ hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo.
Một trường hợp thành công của xu hướng chuyển đổi này là Amedia - nhà xuất bản tin tức địa phương lớn nhất Na Uy với hơn 723.000 người đăng ký. Lượng độc giả hàng ngày của Amedia ước tính khoảng 2 triệu, tương đương gần một nửa dân số trưởng thành Na Uy.
Vào năm 2013, 61% doanh thu của Amedia đến từ các loại hình quảng cáo. Tuy vậy, ở giai đoạn từ năm 2013-2019, hãng thông tấn này đã thành công trong việc giảm tỷ lệ doanh thu từ quảng cáo xuống chỉ còn 43%. Thay vào đó, tỷ trọng doanh thu từ người đọc báo đã tăng từ 39% năm 2013 lên thành 57% vào năm 2019.
Có thể thấy, Amedia đã chuyển đổi thành công từ mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo sang dựa trên việc phát triển thuê bao, hay còn gọi là mô hình Netflix-Fogg.
Bí quyết của Amedia là khuyến khích người dùng đăng nhập khi đọc báo và gán cho họ một ID cụ thể. Sau khi dữ liệu được thu thập, thói quen của người dùng sẽ được phân loại thành một dạng hồ sơ nhân khẩu học và địa lý. Điều này cho phép Amedia xây dựng được một hệ thống AI hiện đại có thể phân tích cách tiếp nhận để cung cấp nội dung tới người đọc.
Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho hay, trong bối cảnh hiện nay, với công tác thông tin tuyên truyền, các nhà báo cần ưu tiên yếu tố dữ liệu thay vì dựa trên cảm giác chủ quan của người viết.
Mô hình kinh tế kết hợp giữa doanh thu từ quảng cáo và độc giả được xem là giải pháp tối ưu cho các tòa soạn Việt Nam. Việc chuyển đổi mô hình cũng sẽ góp phần giảm bớt vấn nạn “tin giật gân, câu view”, đưa các cơ quan báo chí trở lại với những giá trị cốt lõi.