ChatGPT có thay thế nhà báo? Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi báo chí ra sao?
Rất nhiều phân tích, dự báo và cả trải nghiệm ứng dụng được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo, quản trị sáng tạo nội dung báo chí.
ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức
Sáng 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quá tải, mất ưu thế nếu vẫn duy trì cách truyền thống.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn.
Tuy nhiên, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
Trong bài thuyết trình mở đầu Hội thảo về chủ đề “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn - Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam”, nhà báo Lê Quốc Minh nêu một số công nghệ AI nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như sản sinh ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, trợ lý ảo, học máy, ChatGPT. Song, ông Minh nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết, trước hết là vấn đề quyền sở hữu.
“Hiện nay, một số nước có quy định nếu người dùng chỉ nhập các câu lệnh mà không đóng góp nhiều công sức thì quyền sở hữu sản phẩm thuộc về chủ sở hữu của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nếu người dùng đóng góp nhiều hơn thì họ sẽ là đồng sở hữu của những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, đây là câu chuyện vẫn còn rất nhiều tranh cãi”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ. Tại hội thảo, vị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng nhiều tòa soạn có xu hướng đưa nội dung được ChatGPT trả lời vào sản phẩm đăng báo, điều này có khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Đây là điều các cơ quan quản lý báo chí và các tòa soạn cần cân nhắc.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định, không chỉ đối diện nguy cơ xâm phạm bản quyền, khi các tòa soạn xuất bản các sản phẩm dựa trên các thông tin sai lệch được trí tuệ nhân tạo cung cấp, nếu không kiểm chứng, cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm về các nội dung này.
AI không chỉ là ứng dụng để viết bài
Nhà báo Lê Quốc Minh thông tin, những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% traffic cho các cơ quan báo chí, trong khi đó các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15 - 20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lượng traffic từ các công cụ tìm kiếm là hiện rõ, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo.
Trong bối cảnh đó, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào AI trong báo chí. Theo đó, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ AI như ChatGPT, các cơ quan báo chí nên có cái nhìn rộng hơn, đầu tư AI không phải đơn giản chỉ là có những công cụ để viết bài, mà còn để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn cử như là để nắm bắt hành vi của người dùng, phân phối nội dung phù hợp tới từng người đọc, tạo ra các sản phẩm đặc thù như bảng biểu, Long-form, eMagazine... hấp dẫn hơn với cách làm đơn giản hơn.
Cách thức lôi cuốn người dùng và đo đạc trên website giờ không còn chỉ dựa vào lưu lượng truy cập (traffic), mà đo đạc bằng độ tìm hiểu thông tin sâu của người dùng, tức là thời gian người dùng lưu lại trên website (time on site).
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định con đường của báo chí đang đi chắc chắn là đồng hành với công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức.
AI viết báo còn hay hơn nhà báo, có cấp thẻ nhà báo cho AI?
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng không gian của trí tuệ nhân tạo là rất lớn, thậm chí nếu có một ngày AI viết báo hay hơn cả nhà báo, sẽ có người đặt câu hỏi vậy có cấp thẻ nhà báo cho AI không?
Đây là những vấn đề liên tục thay đổi, cần trải nghiệm, bàn bạc liên lục để không lạc hậu.
Thứ trưởng Lâm cũng gợi mở những vấn đề cốt yếu đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí trong thời đại công nghệ số.
Theo thứ trưởng, những việc trí tuệ nhân tạo làm được cho thấy rằng các tòa soạn đang phí sức và phí lực lượng trong tác nghiệp hằng ngày để tạo ra những thứ giống nhau. Thuật toán đang thay đổi cách đọc báo của người đọc và cách làm báo của các tòa soạn. Chúng ta nếu chạy theo trend, theo những gì đang được dẫn dắt trên cộng đồng mạng, chúng ta có thể rơi vào cuộc chơi của những người bán hàng.
Ông Lâm dẫn chứng: "Đếm trong phòng này có 20 camera cùng quay về hội thảo, về tôi đang phát biểu thì sản phẩm có chăng chỉ khác nhau về góc máy. Do vậy, điều quan trọng không phải là làm cùng một việc, cho ra những sản phẩm na ná nhau, mà các cơ quan báo chí phải tạo ra giá trị thực sự cho sản phẩm của mình. Phải dùng công nghệ để thay thế dần những việc AI có thể thay thế con người. Dành tâm sức sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị, có sự khác biệt mà AI không sao chép, không tạo ra được".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay, Bộ TT&TT sẽ trình kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí và đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề tài chính cho chuyển đổi số báo chí.
Ứng dụng AI trong các tòa soạn Việt Nam
Tại hội thảo, Ths. Trần Lệ Thùy - học giả nghiên cứu báo chí Đại học Oxford, nhà báo Hoàng Nhật - Phó TBT Báo Vietnamplus đã chia sẻ các kinh nghiệm sử dụng AI trong các tòa soạn quốc tế và Việt Nam. Nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ kinh nghiệm làm video đầu tiên phát trên sóng Đài Truyền hình TP.HCM có sự tham gia của ChatGPT.
Nhà báo Tạ Bích Loan và PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN với vai trò người điều phối hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm như các tòa soạn cần thay đổi thế nào khi AI ngày càng tác động mạnh tới việc sản xuất và phân phối nội dung, đào tạo báo chí cần thay đổi ra sao, đầu tư cách nào khi các ứng dụng nước ngoài cần thanh toán quốc tế...