Thái Lan xem xét xây dựng nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ
Ủy ban Điều tiết Năng lượng Thái Lan (ERC) đang xem xét pháp lý của dự án lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR).
Theo Bangkok Post, các cuộc đàm phán giữa Thái Lan và Campuchia về sản xuất dầu mỏ chung tại Khu vực yêu sách chồng lấn (OCA) không có kết quả khả quan.
OCA có tiềm năng để phát triển thành một mỏ khí đốt mới. Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải sự phản đối dữ dội bởi lo ngại liên quan đến các cuộc đàm phán dựa trên Biên bản ghi nhớ (MoU) năm 2001 giữa Bangkok và Phnom Penh.
Điều này sẽ khiến Thái Lan có nguy cơ mất chủ quyền đối với Koh Kut, một hòn đảo mà nước này đang quản lý như một phần của huyện Koh Kut (tỉnh Trat).
Mặt khác, nhiên liệu chính phục vụ cho việc phát điện ở Thái Lan là các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đang giảm dần.
Do đó, trong kế hoạch phát triển điện năm 2024, Thái Lan đã cam kết sử dụng nhiều năng lượng sạch hơn song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu mới.
Ông Poonpat Leesombatpiboon, Tổng thư ký ERC cho biết đơn vị này dự kiến ký hợp tác MoU với Văn phòng Nguyên tử vì Hòa bình để cùng nghiên cứu các quy định cần thiết cho việc thúc đẩy dự án điện hạt nhân.
Cũng theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR) là một dạng công nghệ điện hạt nhân có công suất 300 MW, chỉ bằng khoảng 1/3 công suất phát điện của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống lớn hơn.
Đối với kế hoạch phát triển điện từ năm 2024 đến năm 2037, Thái Lan sẽ phát triển 2 lò phản ứng SMR và mỗi lò có công suất 300 MW. Các lò này bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng thời gian cuối kế hoạch đã đề ra.
Dự kiến, Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT) sẽ phát triển và vận hành SMR.
Thực tế, chi phí phát triển SMR hiện đắt gấp 2-3 lần so với các nhà máy điện chu trình hỗn hợp (CCPP) nhưng trong tương lai, mức chi phí này sẽ có xu hướng rẻ hơn.
Đồng thời, SMR có tuổi thọ là 60 năm, trong khi nhà máy điện chạy bằng khí hoặc than chỉ có thể cung cấp điện trong thời gian 25 năm.