ChatGPT có thể trở thành vũ khí lợi hại mới của tội phạm mạng

Các chuyên gia về bảo mật toàn cầu tại công ty phần mềm VMWare tại Australia cảnh báo, tội phạm mạng có thể sử dụng ChatGPT tạo ra các email lừa đảo để bắt chước ngôn ngữ và giọng điệu của các tập đoàn, tổ chức nhà nước hoặc các cá nhân có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

ChatGPT có thể trở thành vũ khí lợi hại mới của tội phạm mạng toàn cầu. (Nguồn: Internet)

ChatGPT có thể trở thành vũ khí lợi hại mới của tội phạm mạng toàn cầu. (Nguồn: Internet)

VMWare cho rằng, đây là cuộc chiến mới giữa tin tặc và ngành an ninh mạng, sẽ kéo dài và rất khốc liệt. Tội phạm mạng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định những lỗ hổng trong các công ty, tổ chức và ChatGPT, từ đó tiến hành các cuộc tấn công giả mạo tinh vi nhằm xâm nhập vào các tổ chức này.

Giám đốc kinh doanh của VMware Australia, ông Darren Reid thông tin thêm, từ khi được phát hành vào năm ngoái, ChatGPT đã vượt qua một trong những tuyến phòng thủ chống lại các cuộc tấn công giả mạo, qua được rào cản ngôn ngữ, làm cho tin nhắn của tin tặc trở nên chân thực hơn và làm cho cuộc tấn công có khả năng thành công cao hơn.

Chuyên gia nhấn mạnh, khi tội phạm mạng đã xâm nhập được vào hệ thống máy tính của một tổ chức, chúng sẽ sử dụng AI để tránh bị phát hiện và tiếp tục mở rộng tấn công.

Trong cuộc khảo sát mới nhất về mức độ thiệt hại từ các vụ tấn công mạng, IBM nhận thấy phải mất trung bình khoảng 9 tháng để một công ty bị tấn công mạng có thể xác định và ngăn chặn cuộc tấn công đó. Đây là quãng thời gian tin tặc có thể lợi dụng để thu thập thêm nhiều dữ liệu làm cơ sở cho cuộc tấn công sử dụng công nghệ deep-fake (công nghệ sử dụng AI để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác), sử dụng AI để bắt chước gần giống phong cách viết hoặc thậm chí là giọng nói của một đồng nghiệp để tấn công vào các bộ phận khác của doanh nghiệp.

Chuyên gia của VMware Australia cảnh báo, tội phạm mạng thậm chí đang sử dụng ChatGPT để điều chỉnh bộ mã của những phần mềm độc hại, giúp chúng lẩn tránh phần mềm diệt virus, đồng thời đưa công nghệ AI vào phần mềm độc hại để những phần mềm này có thể tự điều chỉnh hoạt động sau khi bị phát hiện.

Tấn công giả mạo (Phishing) là hình thức tin tặc sử dụng các email hoặc các tin nhắn giả mạo để lừa người dùng nhấp vào các tài liệu có vẻ vô hại hoặc các đường link dẫn đến một trang web, từ đó phát tán phần mềm độc hại (Malware) lên các thiết bị người dùng.

Ước tính có khoảng 90% các vụ xâm nhập mạng khởi đầu bằng một cuộc tấn công giả mạo đã được thực hiện thành công trước đó. Vụ tấn công mạng nghiêm trọng vào Medibank - công ty bảo hiểm tư nhân lớn nhất của Australia hồi tháng 10/2022, cũng có thể nằm trong số này.

(

(theo VMWare.com, TTXVN)

Đức Khải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chatgpt-co-the-tro-thanh-vu-khi-loi-hai-moi-cua-toi-pham-mang-220609.html