ChatGPT - cứu tinh hay thảm họa?

Thời gian qua công cụ phần mềm Trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT dường như đã tạo ra một cơn sốt trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, khi lượng người tìm kiếm, mua bán account tăng lên hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cảnh báo công cụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an toàn, an ninh mạng...

“Giáo sư biết tuốt”?

Khoảng một, hai tuần trở lại đây, cư dân mạng dường như phát sốt với ChatGPT. Chỉ cần lướt qua mạng xã hội người ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những câu hỏi - đáp với công cụ chat này. Nội dung thì chưa thể xác minh là đúng hay sai, song đa phần là những lời đối đáp thể hiện chatbot này có nhiều kiến thức cũng như rất "chiều" người dùng.

ChatGPT trổ tài làm thơ!

ChatGPT trổ tài làm thơ!

Một số user còn đưa lên những thông tin "chấn động" như ChatGPT có khả năng làm thay con người trong rất nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết báo, nhân viên thu ngân, nhân viên ngân hàng... Tỷ như chỉ cần cho chatbot này một vài dữ liệu liên quan đến tiểu sử, ưu, nhược điểm của bản thân là ngay lập tức, bạn sẽ có được một bức thư xin học bổng như mong muốn, vừa mang đậm tính "học thuật" mà lại rất chân thành.

Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành - giảng viên đại học Utal (Mỹ), ông đánh giá khá cao công cụ AI này. Thử làm một thí nghiệm với ChatGPT bằng cách yêu cầu nó viết một bài tự luận, với một số thông tin để làm hồ sơ xin học vào học ngành CNTT ở trường Đại học Utah. Kết quả ChatGPT đã viết và diễn đạt còn giỏi hơn bản thân ông.

Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ Giáo dục - chuyên ngành Learning Design and Leadership tại Đại học Illinois (Mỹ) cho biết, mới đây bà đã thử dùng ChatGPT để thiết kế chương trình học cho học sinh.

"Thật sự đáng kinh ngạc khi ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài 6 trang mà giáo viên có thể sử dụng ngay, với chất lượng khá. Để ra một kết quả tương tự, team soạn giáo án của tôi có thể sẽ tốn ít nhất 1-2 buổi brainstorming (phương pháp động não) và vài chục giờ làm việc", bà Uyên Phương nói.

Dù vậy, những thử nghiệm trên là đối với ngôn ngữ bằng tiếng Anh, còn với ngôn ngữ là tiếng Việt thì có thể nói trình độ ChatGPT còn rất "non và xanh". Chúng tôi đã tiến hành một số bài hỏi - đáp với chatbot này và nhận được những kết quả rất hài hước.

Đầu tiên, tôi yêu cầu nó viết một bài luận về môi trường. Kết quả trả về là một đoạn văn với những câu chữ hết sức chung chung: "Môi trường là một chủ đề quan trọng và đòi hỏi sự chú ý của mọi người. Thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm môi trường, sản lượng rác thải lớn, sự suy giảm của động vật hoang dã, và nhiều hạn chế khác...".

Thử nghiệm trong lĩnh vực văn học, chatbot này không biết nhiều tác giả lớn của Việt Nam như Nam Cao, Nguyễn Tuân... Hỏi về Truyện Kiều của Nguyễn Du, chatbot này đưa ra kết quả rất buồn cười: "Truyện Kiều là câu chuyện về cuộc đời của một cô gái trẻ đẹp và năng động, bị ép phải bán mình để giúp gia đình của mình vượt qua những khó khăn kinh tế...".

Về lịch sử, khi hỏi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là ai, chatbot này trả lời sai bét: "Là vị vua đầu tiên của nhà Trần, một trong những nhà vua quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam. Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba và có nhiều thành tựu quan trọng trong lịch sử đất nước, bao gồm việc chiếm đoạt các đất nước xung quanh, mở rộng và phát triển kinh tế, giữ cho đất nước trong tình trạng bình đẳng và yên bình...". Sau đó một ngày, khi tôi hỏi lại thì chatbot trả lời rằng: "Không biết".

Ngoài ra, tôi còn thử tài làm thơ của ChatGPT - lĩnh vực được coi là "dễ xơi" nhất của nó, kết quả cũng không khá khẩm hơn là bao. Trước đề bài: "Làm thơ về mùa xuân, làng lúa, làng hoa" chatbot này đưa ra kết quả:

Mùa xuân đến, giấc mơ tràn đầy màu sắc

Làng lúa tràn đầy hoa vàng, hồng, tím

Người ta lạc bước trên con đường hoa

Trong làng hoa, niềm vui tràn đầy

Cánh diều trắng trời bay trên bầu trời

Người ta nhìn lên, miệng cảm thấy hạnh phúc

Một mùa xuân mới, một cuộc đời mới

Một tình yêu mới, một mục tiêu mới...

Bẫy lừa ăn theo ChatGPT

Mặc dù trình độ của chatbot này còn nhiều hạn chế, song vì "hot" nên thời gian qua các tài khoản ChatGPT đang được cư dân mạng lùng sục, mua bán hết sức sôi nổi. Đã có nhiều người bị dính quả lừa, mất tiền mà chỉ mua lại sự bực mình.

Do hiện tại ChatGPT chưa hỗ trợ đăng ký tài khoản tại Việt Nam nên người đã làm theo những mẹo hướng dẫn đăng ký trên mạng, hoặc tìm và tải những ứng dụng "ăn theo" ChatGPT trên kho ứng dụng dành cho Android và iOS, mà không hay biết mình có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Để đăng ký tài khoản ChatGPT, người dùng cần phải có thông tin thẻ tín dụng, số điện thoại ở các quốc gia được hỗ trợ… khá là phức tạp. Nắm bắt nhu cầu của nhiều người tại Việt Nam, các dịch vụ đăng ký hộ và bán tài khoản ChatGPT nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Mỗi tài khoản ChatGPT hiện đang được bán với mức giá dao động từ 10 ngàn lên đến hàng trăm ngàn đồng.

Bên cạnh một số người bán tài khoản ChatGPT thực sự, có không ít kẻ xấu đã lợi dụng "cơn sốt" ChatGPT để lừa đảo bằng cách yêu cầu người dùng chuyển tiền, nhưng sau đó biến mất. Anh Trần Vương, một nạn nhân chia sẻ: "Mặc dù số tiền bị lừa không phải là quá nhiều, nhưng điều này cũng khiến tôi cảm thấy bực mình, chưa kể nếu số lượng người bị lừa nhiều như tôi, chắc hẳn những kẻ lừa đảo sẽ thu được một khoản tiền không hề nhỏ".

Ngoài việc bị dính trò lừa bán tài khoản trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng đã bị mắc lừa khi cài đặt các ứng dụng ăn theo ChatGPT trên các nền tảng di động Android và iOS.

Hiện tại, ChatGPT chỉ có một phiên bản hoạt động trên trình duyệt web. Tuy nhiên, nhiều người dùng không hay biết điều này nên đã tìm kiếm từ khóa "ChatGPT" trên các kho ứng dụng di động, từ đó cài đặt các ứng dụng giả mạo và ăn theo ChatGPT lên smartphone của mình mà không hay biết.

Đa phần những ứng dụng này sẽ yêu cầu người dùng xem các nội dung quảng cáo hoặc trả tiền để có thể sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết ngay cả khi họ đã trả tiền vẫn không thể dùng ứng dụng, hoặc các ứng dụng này không thực sự thông minh như họ tưởng.

Nhiều nguy cơ đối với an toàn, an ninh mạng

Ông Vũ Ngọc Sơn: “Kẻ xấu có thể lợi dụng sự tò mò, mất chủ quan của người dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo”.

Ông Vũ Ngọc Sơn: “Kẻ xấu có thể lợi dụng sự tò mò, mất chủ quan của người dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo”.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam - NCS thời gian qua AI và các ứng dụng dựa trên AI đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. ChatGPT thực ra là một ứng dụng dễ tiếp cận với đa số những người không phải chuyên ngành IT, vì vậy nó nhanh chóng tạo ra một cơn sốt.

Về mặt công nghệ thì ChatGPT không phải là 1 đột phá so với các công nghệ dựa trên AI khác đã có, tuy nhiên về mặt dữ liệu thì ChatGPT đã quá thành công khi dựa trên 1 lượng dữ liệu khổng lồ trên nhiều lĩnh vực, khiến cho người dùng có cảm giác “hỏi gì cũng biết”. Đó cũng chính là sức hút của ChatGPT cho tới thời điểm này.

Về mặt an toàn an ninh thì bản thân ChatGPT được sinh ra để thực hiện dịch vụ hỏi - đáp nên nguy cơ lớn nhất sẽ là những nội dung mà ChatGPT trả lời người dùng liệu có bị ai đó kiểm soát, “đầu độc” để khiến ChatGPT cung cấp các thông tin sai lệch không? Hiện tại thì chưa có bằng chứng nào cho thấy ChatGPT có thể bị tấn công, bởi dữ liệu đầu vào đang được công ty này kiểm soát, sàng lọc, thậm chí được dán nhãn bởi con người nên đã hạn chế được các nguy cơ nêu trên. Tuy nhiên trong tương lai, khi dịch vụ này tiếp tục mở rộng, nhu cầu thêm dữ liệu đầu vào tăng đột biến thì các nguy cơ về kiểm soát dữ liệu sẽ đòi hỏi nhà sản xuất phải có những biện pháp đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: "ChatGPT đang dấy lên nhiều lo ngại đối với an toàn, an ninh mạng".

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: "ChatGPT đang dấy lên nhiều lo ngại đối với an toàn, an ninh mạng".

Chung quan điểm, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC) thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết chatGPT đang dấy lên nhiều lo ngại đối với an toàn, an ninh mạng trên thế giới và cả ở Việt Nam. Đầu tiên, đã có khá nhiều hacker sử dụng chatGPT để tạo email, nội dung lừa đảo mang tính thuyết phục nạn nhân, khiến họ sẽ nhấn vào những nội dung độc hại mà vẫn tưởng đó là những thông tin hữu ích.

Bên cạnh đó, hacker có thể tạo đoạn mã độc và phát triển phần mềm gián điệp cao cấp hơn, có thể vượt được các chương trình diệt virus hoặc tường lửa. Trước khi có ChatGPT hacker sẽ phải tốn nhiều thời gian công sức hơn để tạo ra một cuộc tấn công nhanh, nguy hiểm. Còn hiện tại hacker có thể lợi dụng ChatGPT để tạo ra, hoặc sửa các đoạn mã cao cấp hơn, khó giải mã hơn. Bên cạnh đó ChatGPT hiện tại đang miễn phí nên hacker không có nhiều kinh nghiệm vẫn có thể sử dụng để tạo ra những cuộc tấn công khó phát hiện hơn, với chi phí thấp hơn.

Về vấn đề an toàn dữ liệu, những dữ liệu mà người dùng nhập vào đều sẽ được AI thu thập để học, rèn luyện để nó có thể hiểu biết hơn. Một số người dùng thiếu cảnh giác có thể sẽ nhập các thông tin cá nhân, thậm chí các thông tin công khai trên các trang cá nhân cũng sẽ được phần mềm AI này thu thập, gây lộ lọt thông tin cá nhân. Hiện công ty này đang gặp phải kiện tụng quốc tế về vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu công khai nhưng chưa được cho phép.

Vẫn theo ông Sơn, hiện tại ở Việt Nam, do dịch vụ ChatGPT chưa được mở cho thị trường Việt Nam nên có một số dịch vụ ăn theo, bán tài khoản đã được đăng ký sẵn cho những người cần trải nghiệm sớm. Những kẻ xấu có thể lợi dụng sự tò mò, mất chủ quan của người dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo như bán tài khoản giả mạo, đọc trộm nội dung chat của người dùng với ChatGPT, lừa lấy số thẻ tín dụng khi người dùng thanh toán mua tài khoản…

Lợi dụng độ “hot” của ChatGPT nhiều đối tượng đã rao bán tài khoản để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Lợi dụng độ “hot” của ChatGPT nhiều đối tượng đã rao bán tài khoản để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Việc mua các tài khoản có sẵn hoặc tạo tài khoản với số điện thoại của người nước ngoài có thể dẫn tới việc bị theo dõi, đọc trộm thông tin. Cụ thể khi sử dụng các tài khoản này chat nội dung gì với ChatGPT thì người tạo tài khoản ban đầu cũng có thể xem, theo dõi được nếu họ cũng đăng nhập vào bằng tài khoản đó. Vì về bản chất người tạo sẽ là người sở hữu toàn quyền với tài khoản.

"Các dịch vụ dựa trên AI nói chung đều cần sử dụng đến một khối lượng tài nguyên hệ thống nhất định, theo đó sẽ liên quan đến chi phí vận hành của nhà sản xuất. Việc giới hạn quốc gia bên cạnh chiến lược về tiếp cận từng thị trường thì cũng giúp nhà sản xuất giảm tải, giảm chi phí trong quá trình thử nghiệm. Đây không phải lần đầu tiên một dịch vụ được mở ở một số quốc gia này và đóng ở quốc gia khác để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng có thể chưa thực sự phát triển phần mềm tối ưu về dữ liệu, tối ưu về trải nghiệm, thậm chí là chưa thực sự phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục cho thị trường của tất cả các quốc gia nên họ sẽ mở dần khi sản phẩm hoàn thiện. Người sử dụng có thể chờ thêm để trải nghiệm được tốt nhất" - ông Sơn nhấn mạnh.

Minh Tiến

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chatgpt-cuu-tinh-hay-tham-hoa--i683355/