ChatGPT: Dùng thế nào mới hiệu quả?
'Nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên. Kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận'- PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Tại buổi tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 13/2, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm bảo thủ. Công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn, thầy cô sẽ cùng trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo ông Tùng, ChatGPT có thể tổng hợp thông tin, nhưng không có tư duy, phản biện. Do vậy, đây chỉ là một trong số vô vàn công cụ để ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày.
Ông Tùng chỉ ra thực tế, nhiều sinh viên kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm 5 - mức trung bình. Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém. Tuy nhiên, theo ông Tùng, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên. Mà kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận.
"ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn "- ông Tùng nêu quan điểm.
TS Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX (hệ sinh thái đào tạo trực tuyến công nghệ thông tin) khẳng định, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học được, muốn tự học được quan trọng nhất là đặt được câu hỏi.
Hiện nay, cách thiết kế hệ thống giáo dục đang thiếu thời gian để học sinh đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất là khi hỏi thầy cô giáo, học sinh thường ngại, không mạnh dạn. Ưu điểm của ChatGPT là khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và giúp các em hỏi thoải mái, mạnh dạn hơn.
"Chúng ta chỉ có thể học được bằng cách hỏi. Vì thế, tôi cho rằng ChatGPT không thể nào đe dọa cho giáo dục mà giúp phát triển tốt lên, bởi nó đi đúng bản chất của giáo dục", TS Nam nhấn mạnh.
ChatGPT sẽ trở thành trợ lý
Chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất cho rằng, ChatGPT sẽ trở thành trợ lý hỗ trợ người thầy để có thể lên lớp với tự tin hơn. Do đó, nên xem ChatGPT là một trợ thủ.
Nhất trí với quan điểm này, ông Phùng Việt Thắng nói thêm, coi ChatGPT là trợ lý và huấn luyện để trợ lý hỗ trợ tốt hơn. Lợi ích của công nghệ, phụ thuộc vào chính năng lực tận dụng, sử dụng của những người hưởng lợi trong ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng ChatGPT hiệu quả, tránh những câu trả lời ngớ ngẩn, sai lệch thực sự là mối quan tâm của giới chuyên gia, cũng như các thầy cô giáo.
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội: Chúng ta luôn nói rằng câu trả lời của ChatGPT chưa chắc đúng vì ứng dụng này dựa vào nguồn dữ liệu mở, không được kiểm chứng.
Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT có một dự án huấn luyện ChatGPT dựa trên tất cả sách giáo khoa Việt Nam, trên nguồn dữ liệu mà Bộ đã kiểm chứng thì ChatGPT sẽ trở thành một gia sư vô cùng hữu ích. "Như vậy là chúng ta mang tính địa phương hóa vào trong một mô hình và làm nó trở nên tốt hơn", PGS Tùng nêu quan điểm.
ChatGPT là một loại mạng trí tuệ nhân tạo (AI) được huấn luyện bởi công ty OpenAI (Mỹ), có khả năng tạo ra các văn bản, nội dung và câu trả lời một cách tự nhiên và đủ thông minh dựa trên yêu cầu của người sử dụng.
Kể từ khi OpenAI phát hành phiên bản thử nghiệm miễn phí ra công chúng vào ngày 30/1, ChatGPT đã gây ấn tượng mạnh mẽ bởi khả năng đưa ra các bình luận về nhiều chủ đề khác nhau. Nền tảng này đang trên đà đạt 100 triệu người dùng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chatgpt-dung-the-nao-moi-hieu-qua-post1509872.tpo