CHATGPT - dưới góc nhìn của một nhà thơ

Ở Việt Nam, những ngày vừa qua đã diễn ra các hội thảo, tọa đàm về CHATGPT. Trong bối cảnh đó, nhà thơ Hải Đường đã có bài viết 'GÃ KHỔNG LỒ CHATGPT' với nhận xét về việc làm thơ của CHATGPT là 'thật là thú vị'! Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

CHATGPT không thể thay thế trí tuệ và cảm xúc của con người

Đang có một “cơn sốt” cài đặt và sử dụng ChatGPT trên thế giới. Tuy mới ra đời vào cuối tháng 11-2022, thế nhưng tới nay công cụ này đã có hơn 100 triệu người sử dụng.

ChatGPT có tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Nó được hiểu là một AI (trí thông minh nhân tạo). Đây là bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước đó các chatbot trên thị trường phát triển trong phạm vi hẹp, ngành hẹp. Vì sao vừa mới chào đời, ChatGPT đã phát triển nhanh đến thế? Có hai lí do chủ yếu: nó cung cấp cho người dùng một cách để tạo ra các cuộc trò chuyện tự động, hỏi gì nó cũng có thể trả lời và có khả năng sáng tạo nội dung theo chủ đề nhất định; tự động hóa các quy trình công việc.

“Gã khổng lồ” này còn có nhiều biệt tài khác, như có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế... Với Google, gõ một nội dung cần tìm kiếm, nó sẽ đưa ra hàng nghìn câu trả lời khác nhau. Trong khi đó ChatGPT chỉ cho ra một đoạn text ngắn gọn, tóm tắt được nội dung câu trả lời sau khi tìm kiếm thông tin. Có điều, câu trả lời của “Gã” không dẫn nguồn, dữ liệu của chương trình cũng có thể sai. Các nhà khoa học đã thử trí thông minh của “bác học” này khi đặt câu hỏi: “Trứng voi và trứng gà, trứng nào to hơn?”. Câu trả lời: “Trứng voi” (!)

Ngày Valentine, 14-2, vừa rồi ChatGPT làm bài thơ song ngữ Anh-Việt:

Đà Nẵng thành phố biển

Nơi mặt trời và cát gặp nhau vô tận

Đường phố đông đúc và tiếng ồn ào

Văn hóa sôi nổi, tự hào (!)

Thật là tiện lợi, thật là thú vị! Thế nhưng, đến hiện tại ChatGPT vẫn chưa sử dụng được tại Việt Nam. Ngày 11/2, ứng dụng ChatGPT thông báo sẽ hỗ trợ gói Plus cho chúng ta, bằng cách, khi khách hàng trong nước mở ứng dụng chatbot AI này và không sử dụng VPN, trang web hiện lên bảng thông báo với nội dung “ChatGPT Plus hiện đã khả dụng tại Việt Nam”. Việc thanh toán được tiến hành bằng các loại thẻ ghi nợ quốc tế, với địa chỉ, số điện thoại Việt Nam. Giá dịch vụ mở rộng của chatbot AI khá cao, 20 USD/tháng.

Vậy là trong một tương lai gần số người sử dụng ChatGPT ở Việt Nam sẽ tăng lên rất nhanh chóng. Lợi ích khi sử dụng ứng dụng tiên tiến này thì ai cũng thấy. Nó có thể mang lại cơ hội rất lớn cho việc nghiên cứu khoa học, sản xuất, sinh hoạt,... Có những công việc soạn thảo văn bản bình thường phải mất 2 giờ đồng hồ thì nay chỉ cần vài phút. Thế nhưng, những rủi ro thì chưa thể lường hết. Theo ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách công nghiệp của Liên minh châu Âu (EC): “Chúng ta cần một khung pháp lý vững chắc để bảo đảm AI đáng tin cậy dựa trên dữ liệu chất lượng cao”. Hiện nay, tại Brussels (Bỉ ) người ta đang thảo luận các dự thảo quy định, và nếu được thông qua thì đây sẽ là đạo luật AI đầu tiên trong thời cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những rủi ro được cảnh báo là, việc sáng tạo hình ảnh của AI có thể tạo ra vân tay giả, hoặc vượt qua bước nhận diện gương mặt trên các thiết bị công nghệ. Không những thế, sự tham gia của AI sẽ khiến các rủi ro an ninh mạng trở nên phức tạp, không dễ phát hiện.

Trước xu hướng tiếp nhận, ứng dụng và sử dụng công cụ hiện đại này, thái độ của người Việt Nam nên như thế nào? Cùng với niềm vui khi có thêm một ứng dụng mới trong nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, giải trí, là những băn khoăn, lo lắng. Tại cuộc tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, ngày 13-2, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định: ChatGPT là một mô hình xác suất, đưa ra dự đoán và chưa thấy bóng dáng nhiều lắm của việc suy luận, cho nên, nó phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dữ liệu đầu vào.

Theo ông, những ý kiến quá lo lắng, đề nghị cần cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm có phần bảo thủ. Nhiều sinh viên có kỹ năng viết bài luận rất kém do đã quen với ngôn ngữ ngắn ngọn khi chat trên mạng xã hội. Mặc dù có kiến thức khá vững nhưng khi viết một bài luận, các em khó đạt điểm 5, vì không biết cách diễn đạt. Nhưng nếu có thể sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì có thể nâng cao chất lượng bài viết. Công nghệ sẽ giúp sinh viên tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục và không “đe dọa” bất cứ ai.

Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục. Ý kiến này cũng có thể vận dụng vào trong các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Cho dù có hiện đại, tinh vi, ảo diệu đến mấy AI cũng không thể thay thế con tim và khối óc con người. Không “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” thì làm sao có thể viết được những bài thơ, những ca khúc lay động lòng người, trở thành biểu tượng của một thời kỳ cách mạng, một dân tộc, một thời đại.

Tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học công nghệ của loài người là một truyền thống, là thế mạnh của người dân đất Việt. Đương nhiên, học tập, vận dụng, sử dụng sáng tạo bao giờ cũng đi liền công tác quản lý, với những chính sách, cơ chế, quy định hết sức khoa học, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đó là giải pháp căn cơ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.

Nhà thơ Hải Đường

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chatgpt-duoi-goc-nhin-cua-mot-nha-tho-179230217114417264.htm