ChatGPT khởi động 'cơn sốt' AI tại Trung Quốc
'Cơn sốt' trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc đang thực sự diễn ra sau khi ông Wang Huiwen, người đồng sáng lập nền tảng giao hàng và dịch vụ Meituan đình đám tại Trung Quốc, hồi tháng 2/2023 thông báo khoản đầu tư cá nhân trị giá 50 triệu USD để xây dựng một phiên bản ChatGPT của Trung Quốc và tiếp theo là thương vụ thâu tóm một công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ học máy (machine-learning).
Với việc thâu tóm Beijing OneFlow Technology, startup về AI Lightyear Technology của ông Wang, vị tỷ phú đã rời khỏi Meituan vào năm 2020, đã góp mặt vào danh sách các công ty công nghệ Trung Quốc đón đầu làn sóng chatbot (một chương trình trí tuệ nhân tạo được thiết kế nhằm mô phỏng lại các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua nền tảng Internet), bao gồm cả các "ông lớn" trong ngành và cả những công ty mới "chập chững" vào đời.
ChatGPT, do OpenAI phát triển, được ra mắt vào tháng 11/2022 và đã nhanh chóng nâng cấp lên thế hệ thứ tư, GPT-4, chỉ trong vòng vài tháng, thu hút hơn 100 triệu người dùng. Được trang bị một lượng nội dung khổng lồ, ChatGPT có thể tương tác như con người bằng cách hiểu được mối liên hệ giữa các câu, từ và các thành phần của từ.
Nhưng trong khi những "người khổng lồ" đã đi được những bước tiến lớn, thì các startup nhỏ lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu chạy theo đám đông, họ có thể sẽ không có đủ nguồn lực để tạo ra những sản phẩm tương đương, nhưng nếu không đón đầu xu hướng này, họ có thể bị bỏ rơi trong cuộc đua công nghệ này. Chính vì thế, nhiều startup nhỏ của Trung Quốc đã lựa chọn phát triển các ứng dụng AI tầm trung phục vụ nhu cầu của một thị trường nhất định, như tài chính, bán lẻ hay trò chơi điện tử.
Công ty công nghệ Langboat Technology đã lựa chọn tài chính làm lĩnh vực "đánh chiếm" đầu tiên. Ông Zhou Ming, người sáng lập Langboat, cho biết lĩnh vực tài chính có dữ liệu, tiền và khách hàng, nhưng lại chưa có công ty lớn nào có khả năng cung cấp các ứng dụng hội thoại trên cơ sở công nghệ AI cho lĩnh vực này. Langboat đang cung cấp cho các khách hàng trong lĩnh vực tài chính những tính năng như phân tích cảm xúc khách hàng qua văn bản và giọng nói, phân tích các nghiên cứu và báo cáo, cũng như dịch thuật tài chính.
Công ty Frontis tại Bắc Kinh là một startup khác về AI lựa chọn đi theo hướng này, nhưng là trong lĩnh vực bán lẻ. Giải thích cho quyết định này, ông Zhou Bowen, người sáng lập Frontis và đã từng là người đứng đầu viện nghiên cứu AI của "gã khổng lồ" thương mại điện tử JD.com's, cho biết khi đang làm việc của "ông lớn" này, ông nhận thấy những cơ hội kinh doanh khổng lồ trong việc sử dụng AI để đáp ứng nhu cầu khách hàng và thiết kế sản phẩm.
Ứng dụng chuyển hóa câu chữ thành hình ảnh (Text to image) cũng là một lĩnh vực nội dung mới nổi khác trên cơ sở công nghệ AI. Text to image cho phép người dùng tạo các hình ảnh độc đáo từ nội dung mô tả đơn giản trong vài giây. Tiamat là một nền tảng cung cấp các hình ảnh được tạo ra bởi công nghệ AI cho các nhà phát triển trò chơi điện tử, các công ty quảng cáo và các nhà thiết kế.
Vì rào cản gia nhập thị trường khá thấp và có sự hỗ trợ của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nên nhiều công ty vừa và nhỏ đã "lao" vào thị trường giao diện lập trình ứng dụng (application programming interface) dựa trên công nghệ AI, từ đó nâng cao sự cạnh tranh của tại thị trường này.
Kết quả là các công ty này sẽ sớm "dấn thân" vào một cuộc chiến giá cả khốc liệt như nhận định của ông Lin Demiao, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của PAI Tech, một công ty AI ở Bắc Kinh chuyên phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu tài chính. Và cuối cùng, chỉ những sản phẩm có kỹ thuật tốt, giá trị tăng thêm cao và có hậu thuẫn tài chính vững mạnh mới có thể tồn tại.