ChatGPT với giáo dục: Thách thức và cơ hội
ChatGPT của OpenAI trở thành phần mềm phát triển nhanh nhất mọi thời đại.
Chia sẻ góc nhìn cá nhân, ông Mai Kết, cán bộ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: Ứng dụng này khiến giáo dục truyền thống đối diện với thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy và hành động để ứng phó cũng như bắt nhịp xu thế.
Ưu điểm cần ghi nhận
- Chứa khoảng 570GB dữ liệu văn bản tương đương 300 triệu từ vựng, 175 triệu phép toán, theo ông, lĩnh vực nào bị “cơn sóng thần” ChatGPT nhấn chìm trước tiên?
- Nó có thể bắt đầu với lĩnh vực nghệ thuật, văn học và giáo dục. Chỉ trong vài giây, ChatGPT vẽ xong bức tranh dựa trên các mô tả của người dùng, hay viết bài văn, bản báo cáo và rất khó để phân biệt đó là bài do ChatGPT viết ra. Chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm kiếm các video, bài đăng và bài đánh giá khả năng của ChatGPT để làm Toán, Lý, Hóa; trả lời mọi câu hỏi mà thầy, cô giáo đưa ra, kể cả Lịch sử, Địa lý và các vấn đề xã hội khác. Hơn thế nữa, ứng dụng này còn đưa ra các bước giải chi tiết hay soạn giáo án cho giáo viên trong thời gian ngắn.
Ngay cả vấn đề về giáo dục đạo đức và nhân cách, ChatGPT cũng được huấn luyện để đưa ra câu trả lời có giá trị. Bên cạnh đó, nếu yêu cầu nền tảng này nói về tệ nạn hay bạo lực, thay vì câu trả lời, chúng ta sẽ nhận được lời cảnh báo hoặc mất quyền truy cập.
Nổi bật hơn, ChatGPT có thể hiểu được ngôn ngữ nói và viết, cũng như tự động chuyển mã từ ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh khả năng viết văn và làm thơ, ChatGPT sẽ sớm được tích hợp vào các nền tảng công nghệ khác và ứng dụng cho cách mạng công nghiệp 4.0.
- Dường như ChatGPT không có nhược điểm, thưa ông?
- Mặc dù có nhiều điểm mạnh nhưng ChatGPT cũng có nhược điểm. ChatGPT được nâng cấp lên và ra mắt vào tháng 11/2022 (nguồn nhận định trí thức của ChatGPT từ trước năm 2022). Điều đó có nghĩa, ChatGPT chưa có bản cập nhật tiếp theo. Vì vậy, các vấn đề mới nổi, ChatGPT sẽ không thể đưa ra giải pháp.
Ngoài ra, ChatGPT không phải không có sai lầm, đặc biệt với dữ liệu cũ chưa được số hóa. Vấn đề ở đây là, ChatGPT lại quá tự tin, luôn đưa ra câu trả lời và khẳng định câu trả lời chính xác 100%. Điều này có thể làm người dùng nhầm tưởng.
Nếu người dùng cung cấp nhiều dữ liệu đầu vào phức tạp, ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời và giải pháp rối rắm. Chẳng hạn, khi yêu cầu nền tảng này viết một câu chuyện về ba nhân vật, mỗi nhân vật mang đặc trưng khác nhau, kết quả ChatGPT đưa ra không đồng nhất theo dữ liệu nhập vào.
Cuối cùng, do ChatGPT được đào tạo chủ yếu dựa trên dữ liệu lấy trên Internet, nó có thể gồm cả định kiến, khuôn mẫu hay quan điểm nhất định nào đó. Nặng nề hơn, ChatGPT có thể thiên về thông tin từ một đảng phái chính trị trong câu trả lời của mình.
Thách thức cho giáo dục truyền thống
- Vậy giáo dục truyền thống sẽ đối mặt với những thách thức gì trước sự xuất hiện của ChatGPT?
- Tôi cho rằng, từ những ưu điểm của ChatGPT, lĩnh vực giáo dục, đào tạo sẽ đối diện với nhiều thách thức.
Thứ nhất, nếu là các câu hỏi liên quan đến kiến thức phổ thông, ChatGPT có thể trả lời và đưa ra các bước giải cho mọi vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác. Đó là thách thức lớn với giáo dục truyền thống khi thầy, cô chỉ đưa ra kiến thức và kỹ năng thông thường.
Thứ hai, giáo viên sẽ đối mặt với tình trạng đạo văn một cách trầm trọng và thô bạo của người học. Ở đây, đạo văn được hiểu là sao chép nguồn từ ChatGPT mà không thực sự bỏ công sức ra để tìm hiểu và vận dụng vào bài làm. Hay đơn giản hơn là sao chép nguyên văn từ ChatGPT mà người học không hiểu gì.
Thứ ba, ChatGPT làm mất khả năng quản lý giờ học trong lớp khi một số học sinh tiếp cận với ChatGPT và giải quyết được cơ bản các vấn đề giáo viên nêu ra trong khoảng thời gian ngắn, với độ chính xác cao.
Thứ tư, ứng dụng này có khả năng làm cho người học rơi vào hội chứng “nghiện” và dần phụ thuộc hoàn toàn. Từ đó, người học sẽ mất năng lực tự học, sáng tạo, phát triển bản thân. Đây là điều nguy hiểm cho giới trẻ ngày nay, khi trong tay họ có sẵn điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet 24/7.
Nhanh chóng xây dựng chính sách phù hợp
- Vậy, chúng ta cần làm gì và chuẩn bị gì trước những thay đổi mà ChatGPT có thể tạo ra đối với giáo dục trong tương lai?
- Theo tôi, giáo viên cần quan tâm hơn đến vấn đề đạo văn. Trước khi giao đề bài, công nghệ này có lẽ sẽ giúp giáo viên nghĩ sâu hơn về bài tập họ giao ra.
Sự xuất hiện của ChatGPT cũng giống như máy tính cầm tay có trong lớp học. Thiết bị này từng thách thức giáo viên các môn Khoa học tự nhiên và thay đổi cách họ tiếp cận vấn đề cũng như phương pháp giảng dạy. Để ứng phó với ChatGPT, giáo dục cần chú tâm vào phát triển kiến thức cho người học một cách hệ thống và mạch lạc; đào tạo kỹ năng bài bản, có lộ trình; hạnh phúc của người học (student well-being) cần được quan tâm đặc biệt.
Giáo dục cần chú trọng đến nội dung kiến thức địa phương, liên ngành. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cảm xúc của người học. Hệ thống cảm xúc ở đây được hiểu gồm ba hợp phần chính là: Hệ thống động lực, hệ thống hài lòng và hệ thống tự bảo vệ. Từ đó, người học có thể phát triển bản thân, giữ vững thành quả đã đạt được và vượt qua những thách thức trong tương lai.
Tiếp đó, chú trọng giáo dục khai phóng, giúp học sinh học cách học, cách nhận biết văn cảnh và học cách nhận định đánh giá chính mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới đưa ChatGPT vào cuộc sống và tích hợp nó vào mọi khía cạnh mà không có xung đột.
Muốn vậy, các cơ quan và tổ chức xã hội cần bắt tay ngay vào việc xem xét ưu điểm và nhược điểm của ChatGPT. Đồng thời nhanh chóng đưa ra cơ chế và chính sách đối với ứng dụng này, sớm đón đầu xu hướng phát triển mới cho giáo dục trong tương lai.
- Trong khi chờ chính sách cụ thể, chúng ta nên cấm hay nên khuyến khích sử dụng ChatGPT?
- Thực tế có nhiều nền tảng có chức năng tương tự như ChatGPT ra đời; tương lai chắc chắn còn có nhiều ứng dụng khác. Thay bằng cấm đoán, tôi cho rằng nên sống chung với ChatGPT. Phần mềm ứng dụng này nên được tích hợp vào trường học, không phải như một sự phân biệt đối xử hay kỳ thị, mà tốt hơn là một phần của giáo án. Nếu giáo viên và người học dùng vì mục đích giảng dạy, hiểu những hạn chế cũng như vấn đề về đạo đức mà nó mang lại sẽ tốt hơn nhiều so với việc chúng ta cấm sử dụng ChatGPT hay các nền tảng tương tự.
Nhưng để tiến đến sống chung, cách tốt nhất, thầy, cô giáo, nhà trường bắt tay ngay vào xây dựng nền tảng và công cụ, nguồn lực nhất định để đón đầu xu hướng phát triển này. Trước tiên, xây dựng nội quy, ràng buộc khi sử dụng.
- Xin cảm ơn ông!
“Chưa bao giờ thiếu giáo viên căng thẳng như năm học này” - Đó là tâm sự của ông Đoàn Văn Phương với phóng viên Báo GD&TĐ. Ông Phương cho biết: “Tính đến đầu tháng 12/2019, ngành GD huyện còn thiếu 254 biên chế, trong đó số giáo viên (GV) cần bổ sung gấp là 152 người. Đó là tính theo số lớp hiện có của toàn huyện. Còn theo định biên như quy định của Bộ GD&ĐT thì con số biên chế còn thiếu của GD Đắk Glong lên tới gấp đôi - khoảng 500 người”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chatgpt-voi-giao-duc-thach-thuc-va-co-hoi-post626806.html