Châu Á chìm trong đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất lịch sử
Châu Á đang chìm trong đợt 'sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất lịch sử' mà nguyên nhân được xác định là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hàng loạt quốc gia châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây. Nhiệt độ trung bình ở những nước này liên tục lên cao kỷ lục ngay từ đầu tháng đến nay và chưa có dấu hiệu sẽ dịu bớt. Tình hình thời tiết cực đoan đã khiến nhiều người chết và bị ảnh hưởng sức khỏe đến mức phải nhập viện.
Nắng nóng liên tục trên 40 độ
Tại Trung Quốc, trong tuần này, 109 trạm khí tượng ở 12 địa phương đã ghi nhận nền nhiệt cao chưa từng thấy, theo thông tin đài CNN thu thập.
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết nắng nóng gay gắt tập trung ở nhiều địa phương ở khu vực miền Bắc và miền Trung, với nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Đợt nắng nóng có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới.
Một số tỉnh và TP như Vân Nam, Thành Đô, Chiết Giang, Nam Kinh, Hàng Châu và một số khu vực khác ở đồng bằng châu thổ sông Trường Giang là những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, mức nhiệt 42,8 độ C ở tỉnh Vân Nam là mức cao nhất trong tháng 4 được ghi nhận, hơn kỷ lục trước đó 1,6 độ C, trong khi TP Hàng Châu lần đầu tiên nhiệt độ lên tới mốc 35 độ C trong lịch sử.
Ở Bangladesh, thủ đô Dhaka ngày 15-4 vừa qua cũng trở thành ngày nóng nhất trong gần 60 năm qua khi nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Nắng nóng thậm chí khiến nhiều mặt đường nhựa tan chảy. Bộ Môi trường Bangladesh cho biết nếu nhiệt độ không giảm trong những ngày tới thì chính quyền có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực.
Một nước khác cũng đang chật vật với nắng nóng nghiêm trọng là Ấn Độ, theo tờ The Guardian. Hôm 18-4, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C, với mức cao nhất là 44,2 độ C ở bang Odisha. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ cũng đã ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng nắng nóng cực đoan ở các bang Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và West Bengal.
Đáng chú ý, những khu vực này đều có tỉ lệ lao động nông thôn cao, nhiều người phải làm việc ngoài trời. Tại bang Maharashtra đã ghi nhận hơn 13 người thiệt mạng và khoảng 10 người khác phải nhập viện do sốc nhiệt khi tham dự một lễ hội ở TP Navi Mumbai.
Dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy nhiệt độ từ cuối tuần qua ở nước này lần đầu tiên tới ngưỡng 45 độ C. Cá biệt, TP Tak ghi nhận mức nhiệt 45,4 độ C vào ngày 15-4, trong khi nhiệt độ ở phần lớn khu vực xung quanh dao động 30-40 độ C kể từ cuối tháng 3.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha mới đây bày tỏ lo ngại về “nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều vùng khác nhau của đất nước”, đồng thời cảnh báo rằng nhiệt độ khu vực Bang Na thuộc thủ đô Bangkok “có thể lên tới 52,3 độ C” trong vài ngày tới.
Giới chuyên gia nói gì?
Trả lời hãng tin AP, chuyên gia Jason Nicholls thuộc hãng dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ) cho biết nguyên nhân chủ yếu đợt nắng nóng ở châu Á hiện nay là gió mùa thổi từ phía vịnh Bengal kéo dài tới khu vực biển của Philippines. Ngoài ra ông cũng cho rằng quy mô của đợt nắng nóng lần này mang dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trong khu vực kéo dài hơn và với mức độ nghiêm trọng hơn.
GS David Karoly thuộc ĐH Melbourne (Úc) cũng đồng ý rằng đợt tăng nhiệt độ ở nhiều khu vực của châu Á là hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Trồng trọt, nông nghiệp lúc này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sức khỏe của người dân cũng bị đe dọa khi nhiều người không có điều hòa không khí hoặc nơi để tránh nóng. Các hệ sinh thái tự nhiên cũng đang chịu áp lực từ nhiệt độ khắc nghiệt, với các loài động vật bản địa phải vật lộn chờ tới mùa mưa” - ông Karoly cho hay.
GS Karoly kêu gọi mọi người ở trong những khu vực đang gặp nắng nóng nên uống nhiều nước, ưu tiên trú trong bóng râm, tận dụng điều hòa nhiệt độ, không ra ngoài khi không cần thiết vào giữa ngày khi nhiệt độ lên cao nhất để tránh bị sốc nhiệt nguy hiểm.
Chuyên gia Karoly khuyến nghị các chính phủ cần suy nghĩ và hành động nhằm thích ứng với tình trạng nắng nóng bằng cách cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn trong môi trường đô thị, chẳng hạn như tăng số lượng cây cối và thảm thực vật.
Theo ông, “điều cực kỳ quan trọng là các nước phát triển phải đi đầu trong hành động đối phó với biến đổi khí hậu”, nên hỗ trợ tài chính bổ sung cho các nước đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề cập thực tế rằng vấn đề này đến nay vẫn chưa được đáp ứng, GS Karoly nhấn mạnh đây là việc cấp thiết phải nhanh chóng làm ngay.
“Cho đến khi chúng ta có thể giải quyết đầy đủ các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn sẽ phải hứng chịu những đợt nhiệt độ khắc nghiệt này thường xuyên hơn và trên nhiều khu vực hơn ở châu Á” - GS Karoly cảnh báo.•
Không chỉ châu Á, nắng nóng có thể lan ra cả thế giới
Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) Carlo Buontempo mới đây cho hay nhiều mô hình khí hậu dự đoán hiện tượng El Nino sẽ trở lại. Đây là hiện tượng xảy ra khi gió thổi dọc phía tây đường xích đạo chậm lại, các dòng nước ấm bị đẩy về phía đông khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện khoảng 3-4 năm/lần và kéo dài 8-12 tháng, theo hãng tin Reuters.
Theo ông Buontempo, El Nino thường kéo theo tình trạng nhiệt độ tăng kỷ lục trên toàn cầu. Dù vẫn chưa biết chính xác hiện tượng này sẽ xảy ra vào cuối năm 2023 hay đầu năm 2024 nhưng khả năng là có.
Năm nóng nhất thế giới từng ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với thời điểm xuất hiện El Nino, bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau đó, thế giới trải qua tám năm nóng chưa từng thấy, cho thấy xu hướng ấm lên toàn cầu về dài hạn do phát thải khí nhà kính.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chau-a-chim-trong-dot-song-nhiet-toi-te-nhat-lich-su-post729766.html