Châu Á đang tái định hình thị trường LNG toàn cầu như thế nào?

Đối mặt với những hạn chế không ngừng phát sinh tại Kênh đào Panama, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc và Nhật Bản, những doanh nghiệp nhập khẩu LNG từ Mỹ, đang khám phá các tuyến đường thay thế, bao gồm cả tuyến đi qua Kênh đào Suez.

Ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức hậu cần chưa từng có. Các nhà nhập khẩu châu Á, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đang phải đối mặt với những hạn chế phát sinh tại Kênh đào Panama. Do đó, họ đã chuyển sang sử dụng các tuyến đường thay thế nhằm bảo đảm nguồn cung LNG trong mùa đông. Tình trạng này cho thấy tính phức tạp và dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.

Tàu chở LNG Hyundai Princepia, do Korea Gas Corp (Kogas) thuê, là một ví dụ nổi bật của xu hướng này. Con tàu chọn khởi hành từ cảng Sabine Pass ở Louisiana và sử dụng tuyến đường đi qua Kênh đào Suez, nhờ đó tránh được Kênh đào Panama đang tệ liệt. Trên thực tế, kênh đào Panama đã hạn chế lượng tàu thế hệ Neopanamax lưu thông qua kênh, gây ảnh hưởng đến nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm cả những tàu vận tải LNG.

Tác động của điều kiện thời tiết đến nguồn cung LNG

Điều kiện thời tiết cũng đóng một vai trò trong tình hình phức tạp này. Dự báo từ Cục Khí tượng Hàn Quốc cho thấy, trong giai đoạn tháng 11/2023 - tháng 1/2024, Hàn Quốc có nhiệt độ trung bình cao hơn một chút so với bình thường. Tuy nhiên, họ vẫn còn dè chừng khả năng phải trải qua một đợt rét đậm như vào mùa đông năm trước, đẩy vọt mức tiêu thụ điện và nhu cầu LNG.

Trong khi đó, Nhật Bản, một nước nhập khẩu LNG lớn khác của Mỹ, cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Những hạn chế ở Kênh đào Panama đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu Nhật Bản cân nhắc các tuyến đường thay thế như Kênh đào Suez và Mũi Hảo Vọng, hay thậm chí là trao đổi từ tàu sang tàu. Những điều chỉnh chiến lược này là điều cần thiết nhằm bảo đảm tính liên tục của nguồn cung năng lượng trong bối cảnh vấp phải nhiều điểm hạn chế về hậu cần toàn cầu.

Những diễn biến này nêu bật một xu hướng rộng lớn hơn trong thương mại LNG toàn cầu: Khi các thị trường năng lượng toàn cầu dần liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, tính linh hoạt và khả năng thích ứng với thay đổi trở thành những kỹ năng quan trọng đối với các bên tham gia trong ngành. Các nhà nhập khẩu LNG châu Á dẫn đầu quá trình thích ứng này; khéo léo điều hướng hoạt động trong bối cảnh năng lượng và hậu cần không ổn định.

Việc các nhà nhập khẩu LNG châu Á định hướng lại chiến lược, nhằm ứng phó với các hạn chế của Kênh đào Panama, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính linh hoạt về hậu cần trong thương mại năng lượng toàn cầu. Xu hướng này có thể tái thiết lập các tuyến đường thương mại LNG, mang lại những ý nghĩa lâu dài đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-a-dang-tai-dinh-hinh-thi-truong-lng-toan-cau-nhu-the-nao-699903.html