Châu Á dễ gặp 'sóng thần' COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết

Sau dịp nghỉ lễ năm mới dương lịch, một số nước phương Tây bùng phát dịch bệnh COVID-19, nhiều nơi phải tái lập lệnh phong tỏa, đóng cửa. Càng gần tới ngày Tết Nguyên đán theo phong tục ở các nước châu Á, nỗi lo lắng dịch bệnh ngày càng gia tăng.

Châu Á - nỗi lo bùng phát dịch trong dịp Tết

Trong dịp nghỉ lễ năm mới vừa qua ở các nước phương Tây, mặc dù du lịch đã giảm nhưng việc gặp gỡ bạn bè, sum họp trong các gia đình dịp cuối năm đã khiến các ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng. Những gì phương Tây đã trải qua là bài học “xương máu” đối với các nước ăn Tết theo truyền thống phương Đông, đặc biệt các nước ở châu Á. Các chuyên gia lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến tình hình dịch bệnh tại châu Á “đi vào vết xe đổ” của các nước phương Tây.

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, trên thế giới, số ca nhiễm COVID-19 gần chạm mốc 100 triệu ca, số tử vong vượt 2 triệu người. Diễn biến dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm với việc xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu với hơn 153.000 ca tử vong trong tổng số hơn 10 triệu người mắc bệnh. Trong khi đó, Nhật Bản đang trở thành “điểm nóng” tại châu lục, quốc gia này thông báo họ đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3, số ca tử vong ở xứ sở Mặt trời mọc đã vượt 5.000 người, 11/47 tỉnh, thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có nhiều tỉnh thành phố lớn của cả nước như Tokyo, Osaka, Kyoto. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, quốc gia này hiện có hơn 1.000 người phải thở máy và chăm sóc đặc biệt. Các chuyên gia y tế cảnh báo với số lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh có thể khiến hệ thống y tế nước này sụp đổ, sẽ có bệnh nhân không được điều trị vì thiếu giường. Trong khi tháng 5 tới, người dân bình thường mới tiếp cận được vắc-xin sau khi lực lượng y tế và nhóm ưu tiên được tiêm chủng hết.

Tại Malaysia, Singapore, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Malaysia vừa trải qua ngày có số ca nhiễm bệnh kỷ lục với hơn 4.200 người mắc COVID-19 trong 24 giờ - đây cũng là lần thứ 3 Malaysia vượt mốc 4.000 ca trong 1 ngày. Quốc gia này đã áp đặt Lệnh kiểm soát đi lại (MCO) trong 2 tuần tại 5 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, gồm cả Thủ đô Kuala Lumpur, nhằm kiểm soát virus lây lan. Nhiều người dân Malaysia đang sinh sống tại Singapore đã xác định ăn Tết xa quê do dịch bệnh.

Thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải trở thành tâm dịch ở Trung Quốc, có 2 bệnh viện nổi tiếng nhất Thượng Hải bị đóng cửa vì liên quan tới các ổ dịch. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp như truy vết, xét nghiệm diện rộng, nhưng trong 1 tuần qua, Trung Quốc vẫn ghi nhận số ca mắc bệnh tăng mạnh, hiện trung bình khoảng 200 ca mỗi ngày. Con số này báo hiệu sự “hồi sinh” mạnh mẽ của dịch bệnh kể từ tháng 3 năm ngoái.

Chuẩn bị đối phó với dịch

Trước nguy cơ dịch bệnh gia tăng, mỗi quốc gia châu Á có những biện pháp riêng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc lo ngại cuộc “đại di cư” mùa xuân lên tới hàng tỷ lượt đi lại của hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc làm ăn xa về quê ăn Tết. Chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải đã kêu gọi người dân đón Tết tại chỗ. Trung Quốc đã áp dụng phong tỏa theo từng khu vực, trường học được cho nghỉ sớm, công nhân được yêu cầu ở nhà cho tới hết kỳ nghỉ Tết. Trường hợp về quê ăn Tết, người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID trong 1 tuần và chịu sự giám sát chặt chẽ tại địa phương trong suốt 14 ngày. Hiện Bắc Kinh có kế hoạch tiêm chủng cho nhân viên y tế, lực lượng kiểm soát giao thông, nhân viên vệ sinh, hải quan trước ngày 12/2. Trung Quốc hy vọng có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh cho khoảng 50 triệu người vào giữa tháng 2.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các dự thảo luật nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, theo đó sẽ tăng mức phạt, thậm chí bỏ tù 1 năm nếu người có kết quả dương tính với COVID-19 từ chối nhập viện. Các quán bar và nhà hàng hoạt động trái với hướng dẫn sẽ phải chịu mức phạt lên đến 4.800USD.

Ủy ban Liên bộ phòng, chống dịch COVID-19 của Singapore (MTF) quy định, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân tới các trung tâm, nhà hàng phải đeo khẩu trang trừ khi ăn uống. Trước thời điểm Tết, vào ngày 8-9/2, Singapore sẽ tiến hành xét nghiệm miễn phí cho tất cả các chủ cửa hàng, người bán hàng ăn uống, thực phẩm, người giao hàng quanh khu vực China Town. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết, nước này còn tăng cường năng lực xét nghiệm, truy vết, bên cạnh việc triển khai tiêm chủng vắc-xin.

Trần Hải

((theo Tân hoa xã, AP, ABCnews))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chau-a-de-gap-song-than-covid-19-sau-ky-nghi-tet-n185743.html