Châu Á gồng mình đối phó Covid-19, Ấn Độ và Campuchia ghi nhận ca nhiễm tăng kỷ lục
Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới, trong khi nhiều nước Đông Nam Á cũng đang phải căng mình chống khủng hoảng dịch bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới nguy hiểm và sự chậm trễ của các chiến dịch tiêm chủng, bất kỳ nước nào cũng có thể trải qua thảm cảnh như tại Ấn Độ nếu đồng thời nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Hầu hết sự gia tăng những ca mắc mới và tử vong tại các nước thời gian gần đây đều liên quan tới các biển thể mới được đánh giá là có độc tính cao hơn và lây lan mạnh hơn, như biến thể tại Anh, Nam Phi, Brazil hay đặc biệt là “biến thể kép” B.1.617 tại Ấn Độ.
Theo WHO, biến thể được cho là góp phần làm gia tăng các ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã được tìm thấy tại 17 quốc gia. Theo thống kê, chỉ trong hơn 1 tuần qua, số ca mắc mới tại châu Á đã tăng hơn 30%, mạnh nhất từ đầu mùa dịch.
Ca nhiễm tiếp tục tăng kỷ lục tại Ấn Độ
Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới khi số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên những mức cao chưa từng thấy.
Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Ấn Độ lại lập đỉnh mới với 386.829 người, trong đó có 3.501 trường hợp không qua khỏi. Riêng thủ đô New Delhi, tối 29/4 đã ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục với 395 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại TP này lên 15.772 người.
Đây là ngày thứ 8 liên tiếp New Delhi ghi nhận hơn 300 trường hợp tử vong do Covid-19. Thành phố này cũng ghi nhận 24.235 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại New Delhi lên 1,12 triệu ca.
Các bệnh viện ở New Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung oxy y tế.
Trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã tử vong sau khi oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện. Số ca tử vong gia tăng hàng ngày đã gây ra tình trạng quá tải các cơ sở hỏa táng trên khắp thành phố. Cảnh sát New Delhi đã yêu cầu cơ quan dịch vụ công ích tìm thêm các địa điểm để làm nơi hỏa táng.
Thủ đô New Delhi cùng bang Karnataka phía nam và Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đang bị phong tỏa. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử địa phương và sự kiện tụ tập đông người, như lễ hội Kumbh Mela tại thành phố Haridwar hay lễ hành hương Amarnath ở vùng Kashmir, có thể khiến tình hình thêm tồi tệ.
Hàn Quốc gia hạn biện pháp giãn cách xã hội
Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 30/4 cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạnbiện pháp giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập trên 5 người thêm 3 tuần nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
Hiện tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp dụng biện pháp giãn cách Cấp độ 2 (mức cao thứ 3 trong hệ thống 5 mức hiện hành ở Hàn Quốc), trong khi các địa phương còn lại trên cả nước áp dụng Cấp độ 1,5. Các biện pháp giãn cách này ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 2/5 tới.
Theo quyền Thủ tướng Hong Nam-ki, ciệc gia hạn các biện pháp giãn cách là cần thiết, khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát mạnh trong tháng 5 tới do nhiều ngày nghỉ lễ như ngày Thiếu nhi (5/5), ngày của Cha mẹ (8/5), Lễ Phật đản (19/5).
Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 30/4 cho biết nước này có thêm 661 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 122.007 ca.
Sau 2 tháng triển khai tiêm chủng, hiện đã có hơn 3 triệu người dân Hàn Quốc được tiêm một mũi vaccine Covid-19. Tốc độ tiêm chủng đang được đẩy nhanh nhờ nguồn cung vaccine ổn định, số lượng trung tâm tiêm chủng tăng. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng với tốc độ hiện nay nước
Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á
Campuchia ngày 29/4 ghi nhận kỷ lục với 650 ca nhiễm Covid-19, trong đó thủ đô Phnom Penh tiếp tục là nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất nước, tiếp đến là các tỉnh Sihanoukville, Kampong Cham, Kampong Thom, Siem Reap và Kampong Speu. Tất cả các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 29/4 đều liên quan tới sự kiện cộng đồng ngày 20/2.
Campuchia hiện có 12.641 ca mắc Covid-19. Campuchia cũng ghi nhận thêm 3 người chết, nâng số người thiệt mạng vì Covid-19 lên 92.
Campuchia đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, chính phủ Campuchia tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh đến ngày 5/5.
Chính phủ Campuchia đang đẩy mạnh chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh trong những ngày tới. Chiến dịch này ưu tiên tiêm chủng trước cho tất cả cư dân trên 18 tuổi tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Lực lượng quân đội cũng được huy động, tham gia hỗ trợ tiêm chủng.
Trong khi đó, chính phủ Thái Lan quyết định bổ sung biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch Covid-19. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày ở Thái Lan đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 2.000 ca kể từ ngày 23/4. Tuy nhiên, số ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức hai con số.
Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 29/4 cho biết nước này ghi nhận 1.871 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua và 10 ca tử vong. Hiện Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 63.570 ca mắc Covid-19, trong đó có 188 trường hợp tử vong.
Theo thông báo của CCSA, chính phủ Thái Lan ngày 29/4 quyết định bổ sung thêm một số biện pháp hạn chế đế hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Thái Lan sẽ tăng thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách lên 2 tuần. Tất cả các du khách, hầu hết trước đó được yêu cầu cách ly trong 10 ngày, sẽ phải chịu cách ly lâu hơn kể từ 1/5.
Taweesilp Visanuyothin - người phát ngôn của trung tâm CCSA, cho biết, các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 sẽ được xem xét sau hai tuần.
Dịch vụ ăn uống tại nhà hàng ở Bangkok, Chiang Mai và 4 tỉnh khác bị coi là có nguy cơ lây nhiễm cao cũng bị cấm. Hồi đầu tuần, chính quyền TP Bangkok đã yêu cầu dừng 30 loại hình kinh doanh và dịch vụ, đồng thời cấm các cuộc tụ tập hơn 20 người.
Hiện đã có 73/77 tỉnh của Thái Lan, kể cả thủ đô Bangkok, đã áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, với mức phạt tối đa là 20.000 baht. (640 USD).
Lào ghi nhận 93 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 604, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Thủ đô Vientiane bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm mới tăng đột biến. Cố đô Luang Prabang cũng bị phong tỏa từ ngày 25/4 đến 5/5. Lào bắt đầu truy vết các cụm dịch Covid-19 mới từ kỳ nghỉ tết truyền thống, sau khi 2 người đàn ông Thái Lan và một phụ nữ quốc tịch Lào vượt biên trái phép vào tỉnh Savannakhet hôm 6/4.
Cùng với thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cũng yêu cầu cơ quan các cấp tiếp tục giáo dục cộng đồng về mối nguy hiểm cũng như cách bảo vệ bản thân, gia đình khỏi đại dịch Covid-19.