Châu Á không đầu hàng
Những nỗ lực nghiên cứu vắc xin COVID-19 của Đài Loan, Thái Lan hay Việt Nam xuất phát từ thực tế khó khăn bởi sự thiếu hụt vắc xin. Thay vì mòn mỏi chờ đợi, nhiều nước đang tìm cách sở hữu vắc xin bằng mọi giá và trong số những cách thức thì tự lực cánh sinh là lựa chọn bền vững nhất.
Bài liên quan
Châu Âu hỗ trợ vắc xin COVID-19 Việt Nam: Vun đắp cho tình bạn, thúc đẩy niềm tin
Thiếu hụt nguồn cung vắc xin COVID-19: Nỗi lo không của riêng ai
Phân phối vắc-xin Covid-19: Còn một cuộc chiến khác…
1. Ngày 23/8, Đài Loan “nổ” phát súng đầu tiên trong năm 2021 khi triển khai tiêm chủng cho người dân bằng vắc xin COVID-19 do chính họ bào chế. Một tháng trước đó, các nhà chức trách của hòn đảo này đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Medigen Vaccine Biologics. Đây được xem là sự kiện mang tính đột phá và chiến lược cho tham vọng tự cung cấp dịch vụ tiêm chủng, do sự chậm trễ trong việc cung cấp vắc xin từ các công ty dược toàn cầu vốn đã ảnh hưởng tới nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới.
Như để chứng minh cho sự tin tưởng vào loại vắc xin “nhà trồng được” và chứng minh nó an toàn, bà Tổng thống Thái Anh Văn đã cho ngừng sử dụng vắc xin của Moderna và AstraZeneca, trụ cột hiện tại của chương trình tiêm chủng của Đài Loan. Hơn 700.000 người đã được tiêm vắc xin Medigen chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Nhiều nước châu Á đặt niềm tin vào vắc xin COVID-19 nội địa cho cuộc chiến chống đại dịch - Ảnh: Straitstimes
"Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm, mọi người đều thấy vắc xin của chúng tôi an toàn như thế nào. Có rất ít tác dụng phụ, hầu như không gây sốt… Vì vậy, tôi nghĩ mọi người có thể yên tâm", Giám đốc điều hành Charles Chen của Medigen nói với Reuters.
Chưa có được bước tiến dài như Đài Loan nhưng Thái Lan cũng đang rất vững tâm vào tham vọng tự chủ vắc xin của mình trong tương lai. Nhằm giảm sự phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu và tăng cường nguồn cung cấp vắc xin cho quốc gia, các nhà khoa học Thái Lan đã nghiên cứu một số loại vắc xin nội địa. Hiện 3 trong số 6 ứng cử viên vắc xin của họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm nay, gồm: ChulaCov-19 dựa trên công nghệ mRNA, NDV-HXP-S sử dụng cơ chế virus bất hoạt và Covigen dựa trên gen di truyền DNA.
Tiến sĩ Suthira Taychakhoonavudh, nhà nghiên cứu của vắc xin Baiya Sars-CoV-2 Vax 1 – sẽ thử nghiệm trên người từ tháng tới, thừa nhận rằng các nhà khoa học Thái Lan đang rất cấp bách trong việc phát triển vắc xin nội địa dù quá trình này không thể vội vàng. “Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến tính bền vững và an ninh của nguồn cung cấp vắc xin”, bà nói.
Hàn Quốc thậm chí còn tham vọng hơn Thái Lan khi đặt mục tiêu nằm trong top 5 nhà sản xuất vắc xin toàn cầu vào năm 2025. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp tất cả các hỗ trợ hiện có để phát triển vắc xin sản xuất Covid-19 nội địa, thậm chí còn đưa ra gói đầu tư 2,2 nghìn tỷ won (1,9 tỷ USD) để giúp các nhà sản xuất thuốc địa phương.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một bước nhảy vọt để trở thành một trong năm nhà sản xuất vắc xin toàn cầu hàng đầu vào năm 2025”, ông Moon Jae-in nói, đồng thời cho biết thêm vắc xin cũng sẽ trở thành một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc, cùng với chất bán dẫn và pin.
Hiện có bảy công ty Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong các giai đoạn khác nhau đối với bốn loại vắc xin Covid-19. Bộ Y tế Hàn Quốc tự tin có thể triển khai tiêm chủng các loại vắc xin nội địa vào năm tới.
Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Úc cũng đang có những vắc xin nội địa trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Dự kiến đến cuối năm nay hoặc chậm nhất sang đầu năm sau hầu hết các quốc gia nêu trên đều sẽ có vắc xin COVID-19 tự bào chế để triển khai chiến dịch tiêm chủng của mình.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến hai ông lớn Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia đã và đang gặt hái thành quả nhờ việc tự phát triển vắc xin COVID-19. Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19, trong khi Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin số 1 thế giới.
Đài Loan bắt đầu tiêm chủng đại cho vắc xin nội địa từ ngày 23/8 - Ảnh: Straitstime
2. Những nỗ lực nghiên cứu vắc xin COVID-19 của Đài Loan, Thái Lan hay Việt Nam xuất phát từ thực tế khó khăn, khi đại dịch đẩy các quốc gia vào thế “đói đầu gối phải bò”.
Thay vì mòn mỏi chờ đợi, các nước buộc phải tìm cách sở hữu vắc xin bằng mọi giá và trong số những cách thức thì tự lực cánh sinh là lựa chọn bền vững nhất. Bởi gần một năm kể từ khi vắc xin được phát triển, câu chuyện phân phối công bằng đã trở thành nan đề, mà một chuyên gia dịch tễ từng hài hước nói rằng, có lẽ mỗi quốc gia nên tự sản xuất vắc xin cho mình để giải thích cho sự phụ thuộc vào nguồn cung vắc xin rất hạn chế hiện tại.
Quả thực, nhiều tháng qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus không biết bao nhiêu lần chỉ trích việc tích trữ vắc xin và cũng không biết bao lần các chuyên gia lên tiếng kêu gọi những nước giàu có dừng chương trình tiêm mũi thứ ba để nhường vắc xin cho nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và các khu vực khác đang rất “khát” vắc xin.
Dù một số quốc gia đang cố gắng tỏ ra hào phóng, nhưng số vắc xin được chia sẻ là quá bé nhỏ so với kho dự trữ mà họ có. Việc đã từng có hàng triệu liều vắc xin COVID-19 bị hủy vì quá hạn sử dụng có lẽ là sự thật chua sót rằng, các nước giàu sẽ chỉ “cho đi” đến chừng nào không thể hoặc không cần tiêm cho bất kỳ ai.
Con đường đi tới đích của Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác có thể vẫn còn dài và nhiều chông gai, nhưng sự thật phũ phàng cho thấy quyết định đặt niềm tin vào vắc xin nội địa là giải pháp lâu dài cho một cuộc chiến được dự đoán sẽ dai dẳng.
Từ câu chuyện tự phát triển vắc xin của Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam… cộng đồng quốc tế dường như đã được thấy quyết tâm không từ bỏ, không đầu hàng trước nghịch cảnh của những quốc gia châu Á nghèo khó, đầy rẫy hạn chế. Đồng thời, đây có thể xem là động lực để những quốc gia, khu vực vẫn còn do dự nên mạnh dạn tiếp bước để tìm cho mình một lối thoát.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-a-khong-dau-hang-post154609.html