Châu Á là khu vực dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trên thế giới

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp ngày 23/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 24/9, thế giới đã ghi nhận 231.352.476 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.741.597 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trên toàn thế giới trong 24 giờ qua là 509.071 ca và số ca tử vong mới là 8.591 ca.

Với 484.935 ca phục hồi mới, tổng số người khỏi bệnh trên toàn thế giới hiện là 208.025.920 người. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 96.626 ca trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil lần lượt là ba quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới (43.529.057 ca) chiếm 1/5 thế giới, trong khi số ca tử vong ở nước này (702.960 ca) tương đương 1/6 của toàn thế giới.

Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã lên tới 593.018 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 33.593.492 ca.

Các nước còn lại trong tốp 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhất nằm rải rác ở 3 châu lục, trong đó, Anh và Nga đã ghi nhận hơn 7,3 triệu ca nhiễm, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đều có hơn 6,9 ca, Iran và Argentina đã có hơn 5,2 triệu ca và Colombia hơn 4,9 triệu ca.

Xét theo khu vực, châu Á hiện có nhiều ca nhiễm nhất với 74.799.288 ca, vượt xa khu vực đứng thứ hai là châu Âu (58.128.306 ca).

Trong khi đó, Bắc Mỹ có hơn 52 triệu ca và Nam Mỹ hơn 37 triệu ca. Châu Phi hiện ít bị ảnh hưởng hơn nhưng số ca nhiễm cũng đã vượt 8,2 triệu ca.

Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.211.115 ca, tiếp theo là Nam Mỹ với 1.150.046 ca. Châu Á đứng thứ ba với 1.107.907 ca và châu Mỹ đã có 1.061.596 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm và 141.114 ca tử vong. Tiếp theo là Philippines và Malaysia hiện đã có hơn 2,1 triệu ca nhiễm và trên dưới 30.000 ca tử vong ở mỗi nước. Thái Lan đứng thứ ba với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, Anh và Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, đều đã hơn 7,3 triệu ca. Với 6.229 ca nhiễm mới, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 6.977.722 ca nhiễm.

Số ca nhiễm tại Tây Ban Nha, Ý và Đức hiện đều hơn 4,1 triệu ca, trong khi Ba Lan và Ukraine đã có hơn 2,3 triệu ca nhiễm. Bốn nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất ở châu Âu là Nga (201.445 ca), Anh (135.803 ca), Ý (130.551 ca) và Pháp là 116.371 ca.

Tại châu Mỹ, ngoài Mỹ và Brazil, Mexico ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, hiện là hơn 273.000 ca, tiếp đến là Peru, Colombia và Argentina đều đã hơn 114.000 ca.

Tại châu Phi, trong 24 giờ qua ghi nhận tổng cộng hơn 15.000 ca nhiễm mới, trong đó nhiều nhất là Nam Phi (2.783 ca), Botswana (2.639 ca), Marốc (1.583 ca), Ethiopia (1.544 ca) và Libya hơn 1.000 ca.

Xét về số ca tử vong, Nam Phi đứng đầu với 86.655 ca, tiếp đến là Tunisia với 24.676 ca. Con số này ở Ai Cập là 17.074 ca và Maroc là 14.076 ca.

Trước tình hình diễn biến dịch vẫn khá phức tạp. Các nước vẫn đang đẩy nhanh việc bảo đảm nguồn cung vắc xin. Indonesia ngày 23/9 đã tiếp nhận 871.850 liều vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer. Đây là lô vắc xin cuối cùng do Mỹ viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này.

Kể từ đầu đại dịch, chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ hơn 77 triệu USD cho Indonesia nhằm ứng phó với COVID-19.

Mỹ cũng đang hợp tác với Indonesia để đẩy nhanh việc phát hiện và theo dõi các trường hợp mắc COVID-19, tăng cường phòng thí nghiệm, giám sát dịch bệnh và năng lực phản ứng nhanh, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tự bảo vệ bản thân và người khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu hôm 22/9, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ tặng thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer cho các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. Số vắc xin này sẽ được bắt đầu bàn giao vào tháng 1/2022.

Cam kết này đưa lượng vắc xin do Mỹ viện trợ lên hơn 1,1 tỉ liều. Cho đến nay, Mỹ đã trao tặng gần 160 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho 100 quốc gia với hàng triệu liều được giao mỗi ngày.

Liên quan đến vấn đề vắc xin, ngày 23/9, công ty Novavax của Mỹ và đối tác là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Novavax. Việc WHO cấp phép sẽ là một dấu hiệu cho các cơ quan quốc gia quản lý độ an toàn và hiệu quả của vắc xin này.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vắc xin sang một số nước tham gia cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX). Novavax và SII đã cam kết cung cấp hơn 1,1 tỉ liều vắc xin cho COVAX nhằm tạo điều kiện cho các nước có thu nhập trung bình và thấp tiếp cận công bằng với vắc xin.

Vắc xin của Novavax được sản xuất dựa trên protein, có hiệu quả tới 90,4% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ và Mexico.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc sắp đón nhận một loại vắc xin ngừa COVID-19 mới có tên gọi SCB-2019, được các chuyên gia dự đoán có thể là vắc xin hiệu quả nhất được phát triển ở nước này, vì nghiên cứu mới nhất cho thấy SCB-2019 có hiệu quả 79% đối với biến thể Delta và 67% hiệu quả tổng thể đối với bất kỳ biến thể nào.

Vắc xin SCB-2019, một ứng cử viên vắc xin COVID-19 dựa trên protein, do công ty dược phẩm sinh học Clover có trụ sở tại TP Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) bào chế.

Công ty Clover đã thông báo trên trang web riêng vào ngày 22/9 rằng họ đã đạt đến tiêu chí cuối cùng về hiệu quả quan trọng nhất và các tiêu chí cuối cùng về hiệu quả thứ cấp trong SPECTRA, một thử nghiệm lâm sàng quan trọng trên toàn cầu giai đoạn II-III.

Thông báo của Clover nêu rõ SCB-2019 có hiệu quả 92% đối với biến thể Gamma, 59% đối với biến thể Mu; và 3 chủng Delta, Gamma, Mu chiếm 73% tổng số các chủng virus SARS-CoV-2 đã được nhận dạng trong nghiên cứu.

Vắc xin này đạt hiệu quả tổng thể là 67% đối với COVID-19 ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào gây ra bởi bất kỳ chủng nào trong nghiên cứu, đáp ứng thành công tiêu chí cuối cùng quan trọng nhất của thử nghiệm.

Công ty Clover cho biết thử nghiệm lâm sàng SPECTRA đã thu hút hơn 30.000 người lớn và người cao tuổi (18 tuổi trở lên) tham gia tại 31 địa điểm ở 5 quốc gia (Philippines, Brazil, Colombia, Nam Phi, Bỉ) trên 4 châu lục, dẫn đến một trong những thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đa dạng nhất cho đến nay.

Theo Clover, vắc xin SCB-2019 cũng chứng tỏ hiệu quả 100% chống bệnh COVID-19 nghiêm trọng và nhập viện, và hiệu quả 84% chống COVID-19 mức độ từ trung bình đến nặng, gây ra bởi bất kỳ chủng SARS-CoV-2 nào trong thử nghiệm lâm sàng SPECTRA.

SCB-2019 cũng là vắc xin COVID-19 đầu tiên cho thấy khả năng giúp những người đã nhiễm bệnh trước đó giảm đáng kể nguy cơ tái nhiễm sau khi được tiêm vắc xin này vì nó làm giảm 64,2% nguy cơ tái nhiễm COVID-19 có triệu chứng do bất kỳ chủng nào gây ra ở những người đã từng nhiễm bệnh.

Công ty Clover cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 có triệu chứng do biến thể Delta gây ra giảm tới 79,1%.

Công ty Clover có kế hoạch nộp đơn xin phê duyệt có điều kiện tới các cơ quan quản lý toàn cầu (bao gồm Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) vào quý 4 năm nay.

Sau khi nhận được phê duyệt có điều kiện, Clover dự kiến bắt đầu ra mắt sản phẩm đầu tiên của vắc xin tiềm năng này vào cuối năm 2021.

Cũng liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin, Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược Moderna Inc (Mỹ) Stephane Bancel trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Neue Zuercher Zeitung (Thụy Sĩ), đưa ra nhận định Đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong vòng 1 năm tới trong bối cảnh hoạt động sản xuất vắc xin được đẩy mạnh đáp ứng nguồn cung trên toàn cầu.

Ông Bancel nêu rõ: “Nếu nhìn vào hoạt động sản xuất vắc xin gia tăng trong toàn ngành này trong 6 tháng qua, đến giữa năm tới sẽ có đủ số liều vắc xin để tất cả mọi người trên Trái Đất này được tiêm chủng. Số liều vắc xin tăng cường cũng có thể đủ đáp ứng nhu cầu.” Ông cho rằng việc tiêm chủng sẽ sớm được đáp ứng thậm chí cho cả trẻ sơ sinh.

CEO Moderna cũng bày tỏ hy vọng chính phủ các nước cho phép tiêm liều vắc xin tăng cường, trong bối cảnh Mỹ đã phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer tiêm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao nhiễm bệnh và nguy cơ cao mắc bệnh nặng.

Đầu tháng này Moderna đã gửi dữ liệu về việc tiêm liều tăng cường vắc xin của hãng này nhưng đến nay chưa được phê duyệt.

Theo ông Bancel, liều vắc xin tăng cường chỉ bằng một nửa liều vắc xin ban đầu, đồng nghĩa sẽ có thêm vắc xin. Theo đó, trong năm tới sẽ có 3 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna trên toàn thế giới thay vì chỉ 2 tỉ liều.

Ông cũng cho biết thành phần của liều tăng cường trong năm nay vẫn giống thành phần của liều vắc xin ban đầu bởi hãng không có thời gian để thay đổi thành phần của vắc xin.

Hiện Moderna đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng các vắc xin tập trung vào biến thể Delta để tạo cơ sở cho việc tiêm liều tăng cường vào năm 2022.

Moderna có thể sử dụng các dây chuyền sản xuất hiện tại để sản xuất vắc xin ngừa các biến thể mới, do vậy, giá thành vắc xin sẽ không thay đổi.

T.LÊ ( tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264415/chau-a-la-khu-vuc-dan-dau-so-ca-mac-covid-19-tren-the-gioi.html