Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.
Báo cáo tiết lộ trong năm 2023, có 398 sự kiện thiên tai xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến thiệt hại kinh tế 380 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng được xem xét - cao hơn 22% so với mức trung bình của thế kỷ 21, do các trận động đất lớn và những cơn bão đối lưu nghiêm trọng (SCS) không ngừng nghỉ ở Mỹ và châu Âu.
Thiệt hại kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2023, chủ yếu do lũ lụt ở Trung Quốc và hạn hán ở Ấn Độ, lên tới 65 tỷ USD - thấp hơn 48% so với mức trung bình của thế kỷ 21. Tuy nhiên, “khoảng trống bảo hiểm” - tỷ lệ tổng thiệt hại không được bảo hiểm - ở khu vực này lên tới 91%, khi chỉ có 9% thiệt hại kinh tế (tương đương 6 tỷ USD) được bảo hiểm chi trả. Con số này thấp hơn mức trung bình 15 tỷ USD của thế kỷ 21, cho thấy sự cấp thiết phải mở rộng bảo hiểm trong khu vực.
Theo ông George Attard, Giám đốc điều hành Giải pháp Tái bảo hiểm khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Aon, những phát hiện từ báo cáo của Aon về châu Á-Thái Bình Dương chứng minh rằng biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến 4 trong số 10 rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp, đó là sự gián đoạn kinh doanh, xu hướng thị trường thay đổi nhanh chóng, thất bại trong phân phối chuỗi cung ứng, và những thay đổi về quy định hoặc luật pháp. Khi khí hậu liên tục tạo ra những kỷ lục thời tiết cực đoan mới, các doanh nghiệp ngày càng cần định lượng và giải quyết tác động trực tiếp và gián tiếp của rủi ro khí hậu, ông Attard nhấn mạnh.
Lũ lụt vẫn là mối đe dọa thường xuyên
Báo cáo chuyên sâu về Khí hậu và Thảm họa năm 2024 cho thấy lũ lụt vẫn là mối đe dọa thường xuyên ở châu Á-Thái Bình Dương, với thiệt hại hàng năm vượt quá 30 tỷ USD/năm kể từ năm 2010. Nhìn chung, thiệt hại do lũ lụt được chứng minh là mối nguy hại tốn kém nhất trong năm thứ tư liên tiếp, chiếm hơn 64% tổng thiệt hại vào năm 2023. Khoảng một nửa thiệt hại ở châu Á-Thái Bình Dương có liên quan đến lũ lụt ở Trung Quốc, dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 32 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm là 1,4 tỷ USD.
Nhiều nơi đã chứng kiến lũ lụt đáng kể và lượng mưa kỷ lục trong năm 2023, bao gồm HongKong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Lũ lụt ở Nam Á (Pakistan và Ấn Độ) khiến gần 2.900 người thiệt mạng. Phần lớn tác động bắt nguồn từ các khu vực có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm rất thấp.
Theo Aon, các khu vực có dân số cao thường được trang bị tốt hơn để ứng phó với thiên tai thông qua đầu tư và có khả năng nhận bảo hiểm cao hơn, nhưng nhược điểm là tốc độ tăng trưởng đô thị đáng kể có thể dẫn đến những rủi ro không lường trước được, đặc biệt là khi xảy ra các hiện tượng thời tiết chưa từng có.
Với thiệt hại kinh tế gần 13 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm là 1,4 tỷ USD, thiệt hại do bão nhiệt đới ở châu Á và châu Đại Dương là 53% và thấp hơn 70% so với mức trung bình của thế kỷ 21. Số người thiệt mạng do bão nhiệt đới tương đối thấp trong năm thứ hai liên tiếp. Đây có thể là kết quả của việc các biện pháp ứng phó và thích ứng với thiên tai được cải thiện; tuy nhiên, nhiều cộng đồng vẫn dễ bị tổn thương ở các quốc gia như Myanmar - nơi có ít nhất 463 người thiệt mạng do ảnh hưởng của Bão Mocha hồi tháng 5/2023.
Số lượng sự kiện ngày càng tăng
Trong năm 2023, khu vực châu Á-Thái Bình Dương rung chuyển bởi một số trận động đất lớn. Gần 1.500 người thiệt mạng sau một loạt trận động đất ở tỉnh Herat của Afghanistan vào tháng 10 và hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hại ở tỉnh Cam Túc của Trung Quốc vào tháng 12.
Nắng nóng cực độ là một mối nguy hiểm bất ngờ khác ở khu vực châu Á trong năm ngoái. Nhiều nơi trong khu vực đã trải qua thời kỳ nhiệt độ khắc nghiệt kéo dài vào năm 2023. Trung Quốc phải hứng chịu kỷ lục nắng nóng mới với nhiệt độ tăng vọt lên 52,2°C vào tháng 7.
Đáng chú ý, đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở Nam và Đông Nam Á trong tháng 4 và tháng 5. Tình trạng hạn hán ảnh hưởng đặc biệt đến Trung Quốc và Ấn Độ, làm thiệt hại thêm hàng tỷ USD.