Châu Á - Thái Bình Dương với tầm nhìn mới
Hội nghị cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) do Malaysia chủ trì tổ chức trực tuyến mới đây đã đưa ra Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 của các nhà lãnh đạo APEC. Tầm nhìn này là một sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017.
Khởi động Tầm nhìn APEC sau năm 2020, các nhà lãnh đạo APEC xác định tương lai dựa trên cơ sở bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối nhất thế giới. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động, nhất là thách thức do đại dịch Covid-19 đã đẩy cả thế giới tới sát bờ vực suy thoái, APEC cần giữ vững và phát huy tốt vai trò trung tâm trong quá trình khôi phục kinh tế.
Bên cạnh việc khẳng định nỗ lực hợp tác giữa các thành viên APEC về phục hồi kinh tế, Tuyên bố chung Putrajay 2020 cũng cam kết nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ một cách cân bằng, bao trùm, bền vững, đổi mới và an toàn. Từ đó, APEC củng cố tốt sức mạnh, tạo động lực để có thể hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết toàn diện mọi thách thức. Các thành viên APEC cam kết phối hợp chặt chẽ để xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên.
Tầm nhìn APEC sau năm 2020 là một đề xuất của Việt Nam và được thông qua vào năm 2017 tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, sáng kiến này cũng là định hướng mà Việt Nam đặt ra về xây dựng một APEC vì người dân và doanh nghiệp, có khả năng thích ứng và đi đầu trong xử lý các thách thức toàn cầu, đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Tại hội nghị lần này, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tái khẳng định, người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế. Trong đó, APEC cần có những trụ cột mới là phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu,...
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung về sự gắn kết và chủ động thích ứng kiểm soát đại dịch, xử lý các hệ lụy kinh tế, xã hội và từng bước phục hồi kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra đề xuất có tính chiến lược trong việc thúc đẩy hợp tác, phát huy vai trò trọng yếu và khả năng thích ứng của APEC.
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác đa phương để tạo ra sức mạnh lớn vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định, APEC đóng vai trò trung tâm trong việc hồi phục sau đại dịch. Đây cũng là quyết tâm chung của 21 nền kinh tế thành viên APEC và được thể hiện rõ nét qua Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Sau khi nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 năm 2021, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cam kết rằng, đất nước này sẽ định hướng hoạt động của APEC vào cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, để bảo đảm những nỗ lực chung của APEC vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây nên, đồng thời mang lợi ích và thịnh vượng cho tất cả người dân trong khu vực.
Trên cơ sở đó, New Zealand đã đưa ra chủ đề năm APEC 2021 là "Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng". Theo đánh giá của giới chuyên gia, chủ đề này thể hiện quyết tâm của APEC trong nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn sau năm 2020 một cách nhanh chóng, cụ thể với động lực chính là sự thịnh vượng, hòa bình, ổn định và hạnh phúc của người dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chau-a-thai-binh-duong-voi-tam-nhin-moi-post435417.html