Châu Á trong chính sách ngoại giao đang thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu theo đuổi chính sách đối ngoại 'đa chiều' và 'đa dạng hóa', nhưng không từ bỏ NATO.
Theo nhận định mới đây của Tiến sĩ Omair Anas, Phó Giáo sư tại Đại học Ankara Yildirim Beyazit kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Đối thoại Tây Á, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức vừa qua ở Uzbekistan đã đánh dấu một sự thay đổi mới trong thời điểm trật tự thế giới đang biến động nhanh chóng. Kể từ khi thành lập SCO vào năm 2001, đây là lần đầu tiên tổng thống của một nước thành viên NATO, Recep Tayyip Erdogan, tham gia hội nghị thượng đỉnh trên tại thủ đô Samarkand.
Tại hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của SCO: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Á khác. Trong bối cảnh các nước Trung Đông thất vọng vì cảm giác bị "phương Tây bỏ rơi và rút khỏi khu vực", những cường quốc Trung Đông quan trọng như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và UAE đã mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của họ với các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tiến sĩ Omair Anas lưu ý, việc hướng tới châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nằm trong "Sáng kiến Trở lại châu Á" của nước này, dù diễn ra chậm nhưng chắc chắn. Là một thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới, NATO, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể rời khỏi liên minh này. Tuy nhiên, Ankara nhận thức được rằng trật tự toàn cầu trong tương lai sẽ không phải do phương Tây chi phối.
Sự trỗi dậy của một châu Á cạnh tranh và mạnh mẽ trong những lĩnh vực kinh tế và công nghệ là một thực tế mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua vì nước này cần các thị trường xuất khẩu lớn hơn và hấp dẫn hơn ngoài châu Âu. Hơn nữa, nhu cầu cải tổ của các tổ chức quốc tế, chủ yếu là Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, đang được các cường quốc châu Á thúc đẩy quyết liệt.
Với sự trỗi dậy của SCO và BRICS (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Nga) - tạo thành khối đông dân nhất thế giới, việc phương Tây từ chối quyền của họ với tư cách là đối tác bình đẳng trong quản trị quốc tế sẽ là không thể. Ví dụ như Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, đã lên tiếng nhiều hơn về việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC). Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 5/2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên UNSC của New Delhi trong bài phát biểu tại Đại học Jamia Millia Islamia.
Thất vọng về gia nhập EU
Ông Erdogan, từng là người ủng hộ nhiệt tình cho tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng gần đây đã thất vọng vì sự chờ đợi kéo dài trong quá trình gia nhập Liên minh này. Có những lý do chính đáng cho rằng tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không xảy ra trong tương lai gần, hoặc thậm chí trong trung hạn.
Thứ nhất, EU bị chia rẽ lớn về vấn đề gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt liên quan đến các câu hỏi về sự hòa nhập của người nhập cư vào châu Âu và hiện đang bị xáo trộn bởi xung đột Nga - Ukraine. Tâm lý chống người nhập cư ở châu Âu hiện ở mức cao trong bối cảnh các đảng cánh hữu đang trỗi dậy ở khắp mọi nơi, và việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ là "nạn nhân" chính của việc lan truyền tư tưởng bài ngoại ở châu Âu.
Thứ hai, trong giải quyết các cuộc khủng hoảng Trung Đông, đặc biệt là các cuộc nội chiến và bạo lực chính trị, bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU về các vấn đề khu vực trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt sau thất bại của EU trong việc ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cả năm 2014 và 2022.
Tuy nhiên, những thất bại trong gia nhập EU đã tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng mối quan hệ song phương những đối tác khác trên nhiều lĩnh vực, ví dụ quan hệ quốc phòng riêng với Ukraine, Libya, UAE và Nga. Chỉ với sự giúp đỡ của Nga, chứ không phải các thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc thực hiện ngừng bắn và duy trì hòa bình kéo dài ở Syria, đồng thời ngăn chặn làn sóng di cư lớn của người tị nạn từ Syria sang châu Âu.
Sự vắng mặt của EU trong việc hỗ trợ tiến trình hòa bình trong xung đột Azerbaijan-Armenia là một ví dụ khác về lý do tại sao EU và phương Tây nói chung "không còn nắm giữ chìa khóa" giải quyết một số vấn đề nóng quốc tế. Hơn nữa, mối quan hệ hợp tác gần đây với Saudi Arabia, UAE, Israel và Ai Cập đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại cấu trúc an ninh khu vực ở Trung Đông.
Với vai trò đang thay đổi của mình, bằng cách trở thành một quốc gia thực dụng và ôn hòa hơn, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hướng tới mục tiêu tăng cường sự hợp tác với SCO và các tổ chức quốc tế châu Á khác như BRICS, ASEAN và SAARC (hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á). Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập SCO, tuy nhiên, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi sự liên kết với SCO cũng như các tổ chức khu vực khác trong chính sách đối ngoại "đa chiều" và "đa dạng hóa", chứ không phải để thay thế NATO.
Với Đông Nam Á và Nam Á, Tiến sĩ Anas cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn can dự thông qua kinh tế và văn hóa. Để làm được điều này, Ankara cần phải điều chỉnh lại quan điểm "Chiến tranh Lạnh" của mình đối với những khu vực trên, đặc biệt là về các tranh chấp lãnh thổ.