Châu Á trong năm 2023: Những cơ hội và thách thức từ biến đổi khí hậu

Theo trang SCMP, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến các quốc gia châu Á đã phải đối mặt với những khó khăn nhất định vào năm 2023, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo và hệ sinh thái đại dương trong khu vực.

Mặc dù vậy, trong năm 2023, ngành xe điện đã đạt được một bước tiến đột phá trong bối cảnh thế giới hướng tới việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu nhựa nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nông dân thu hoạch lúa bằng tay trên một trang trại ở tỉnh Kalasin, Thái Lan vào tháng 11. Hiện tượng El Ninõ đã làm giảm sản lượng lúa gạo ở châu Á trong năm nay. Ảnh: Bloomberg

Nông dân thu hoạch lúa bằng tay trên một trang trại ở tỉnh Kalasin, Thái Lan vào tháng 11. Hiện tượng El Ninõ đã làm giảm sản lượng lúa gạo ở châu Á trong năm nay. Ảnh: Bloomberg

Đây được xem như một cách để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và bệnh tật đang trầm trọng hơn do nhiệt độ tăng cao.

Trước đó, những cảnh báo về tương lai các thảm họa khí hậu này đã được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu để đảm bảo các mục tiêu khí hậu, đồng thời giúp các quốc gia trên thế giới tự chủ về năng lượng. Thỏa thuận hạn chế nhiên liệu hóa thạch tại COP28 được xem là một bước tiến lớn trong quá trình đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu, tạo nền tảng để các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Dưới đây là những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến châu Á trong năm 2023:

Khủng hoảng giá gạo châu Á

Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đã khiến các quốc gia châu Á đối mặt với những khó khăn nhất định trong năm 2023. Hiện tượng El Ninõ đã làm gián đoạn các mô hình thời tiết, khiến phần lớn khu vực phải hứng chịu điều kiện nóng hơn, khô hơn gây ra sản lượng lúa gạo bị cắt giảm. Các chuyên gia thời tiết dự báo hiện tượng El Ninõ sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là đến đầu năm sau.

Điều này đã dẫn đến việc Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, phải hạn chế xuất khẩu, chỉ cho phép xuất khẩu một lượng nhỏ ra nước ngoài.

Giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Vào cuối tháng 7/2023, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati và sau đó đưa ra mức giá bán tối thiểu đối với gạo basmati và mức thuế 20% đối với gạo đồ vào tháng 8.

Bên cạnh đó, giá gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan cũng tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008. Hạn chế xuất khẩu và thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nguồn cung toàn cầu của một hàng hóa thiết yếu của hàng triệu người.

Những đợt nắng nóng thiêu đốt đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng, thúc đẩy lạm phát lương thực và buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt hơn nữa việc cho vay.

Triển vọng về ngành xe điện

Trong những diễn biến tích cực hơn, các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng ưu tiên sản xuất xe điện với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, cũng như đáp ứng các cam kết không phát thải carbon.

Một số quốc gia châu Á đang phát triển thị trường tiêu dùng xe điện và năng lực sản xuất phù hợp với quá trình chuyển đổi sang xanh hóa. Trong thập kỷ tới, những thị trường xe điện ở Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ sẽ mở rộng đáng kể do nhu cầu đối với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu phi hóa thạch tiếp tục tăng.

Cuộc cạnh tranh sản xuất xe điện trong năm nay ở khu vực này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn, cung cấp nguyên liệu thô, giảm thuế và cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về xe điện trong khu vực cũng đã xuất hiện nhưng vẫn tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới

Lời hứa giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang đe dọa ngay cả những nơi xa xôi nhất trên Trái đất - từ đỉnh Everest đến rãnh Mariana phía tây Thái Bình Dương - và thậm chí còn được tìm thấy ở cả hạt vi nhựa qua sữa mẹ.

Trước diễn biến như vậy, các nhà lãnh đạo thế giới đang hướng tới việc đưa ra hiệp định về rác thải nhựa để làm sạch hành tinh và khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn. Châu Á chiếm một phần đáng kể trong tổng số nhựa được sản xuất hàng năm, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc nằm trong số những nước sản xuất bình quân đầu người cao nhất.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, các quốc gia ở châu Á cần phải ban hành và thực thi những chính sách và quy định nhằm mở rộng quy mô các sáng kiến nền tảng đồng thời buộc các nhà sản xuất nhựa có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thiếu hụt nguồn cá thu

Sự kết hợp của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và đánh bắt quá mức đã bắt đầu tước đi loài cá yêu thích của Thái Lan, một loại cá thu nhỏ chứa nhiều protein được gọi là pla tu.

Không chỉ có quá nhiều loài cá bị đánh bắt khỏi đại dương mỗi năm và chưa kịp phục hồi mà nhiệt độ nước biển tăng và các kiểu thời tiết khắc nghiệt cũng gây áp lực lên các hệ sinh thái biển mỏng manh cũng như sản lượng cá thu về.

Trước diễn biến như vậy, một tia hy vọng rằng thế giới có thể đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu đã xuất hiện tại hội nghị khí hậu cuối năm của Liên hợp quốc ở Dubai, COP28, nơi các quốc gia cuối cùng đã nhất trí việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chau-a-trong-nam-2023-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-tu-bien-doi-khi-hau-20231226092029168.htm