Châu Âu bất ổn vì bão giá
Châu Âu đang phải đối mặt với phong trào biểu tình phản đối bão giá, lạm phát. Sự bất bình không chỉ còn âm ỉ mà đã bùng phát và đang ngày càng lan rộng từ Pháp, Đức, tới Anh, Tây Ban Nha, Séc, Rumani... với số người tham gia ngày càng tăng.
Phong trào biểu tình cho thấy nguy cơ bất ổn chính trị có thể xảy ra trong tương lai gần, nều các chính phủ châu Âu không nhanh chóng đưa ra giải pháp đối phó.
Biểu tình khắp nơi
Lạm phát tăng vọt do khủng hoảng năng lượng được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình ngày càng tăng của người dân. Ngày 22/10, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại 6 thành phố của Đức yêu cầu phân phối công bằng hơn các quỹ của chính phủ để đối phó với giá năng lượng tăng và chuyển đổi nhanh hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch, theo Reuters. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố Berlin, Düsseldorf, Hannover, Stuttgart, Dresden và Frankfurt. Người biểu tình cầm những tấm biển mang khẩu hiệu về nhiều chủ đề, từ trợ cấp năng lượng nhiều hơn và đóng cửa các nhà máy hạt nhân, đến giảm lạm phát. Theo Greenpeace, một trong những nhà tổ chức biểu tình, khoảng 24.000 người đã tham gia, trong khi cảnh sát cho biết 1.800 người đã tập trung tại thủ đô của Đức.
Trong khi đó, ngày 23/10, tại Brussels (Bỉ) cũng chứng kiến cuộc tuần hành quy mô lớn. Rebecca Thissen, điều phối viên của Liên minh Khí hậu cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng lớn (quy mô của các cuộc biểu tình) kể từ năm 2018 và bất chấp đại dịch COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp khác, mọi người vẫn tiếp tục vận động và xuống đường để hành động vì khí hậu tốt hơn”.
Tại Pháp, nơi lạm phát đang ở mức 6,2%, thấp nhất trong 19 quốc gia khu vực đồng euro, công nhân ngành đường sắt và vận tải, giáo viên trung học và nhân viên bệnh viện công đã tham gia lời kêu gọi đình công yêu cầu tăng lương của một liên đoàn ngành dầu mỏ, cũng như phản đối sự can thiệp của chính phủ.
Tại Romania, hàng ngàn người dân xuống đường biểu tình ở thủ đô Bucharest phản đối giá cả năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Các nhà tổ chức hoạt động này cho rằng tình trạng chi phí đắt đỏ đang khiến hàng triệu người lao động rơi vào cảnh nghèo đói.
Tại Anh, công nhân đường sắt, y tá, công nhân cảng, luật sư... tổ chức một loạt cuộc đình công trong những tháng gần đây yêu cầu tăng lương phù hợp với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Hàng trăm công nhân tại cảng Liverpool, một trong những cảng container lớn nhất của Anh, sẽ đình công thêm 2 tuần vì lương và việc làm kể từ ngày 24/10. Liên minh công nhân và truyền thông, đại diện cho 115.000 nhân viên bưu điện Royal Mail cảnh báo tiến hành nhiều cuộc đình công hơn sau nhiều tháng đàm phán thất bại về việc thay đổi lương và hoạt động. Trong khi đó, hàng nghìn người ở Madrid, Tây Ban Nha; hàng trăm người tại Rome, Italy cũng xuống đường cuối tuần để phản đối tình trạng giá khí đốt, giá điện tăng cao. Người biểu tình Italy, Tây Ban Nha yêu cầu cắt giảm các hóa đơn, tăng tiền lương và phúc lợi xã hội lớn hơn để bảo vệ các hộ gia đình trước tác động của giá năng lượng tăng cao.
Chờ một giải pháp
Vấn đề lớn nhất hiện nay là chi phí năng lượng. Hóa đơn năng lượng nhiều hộ gia đình tại các nước châu Âu đã cao gấp 2-3 lần trước kia, chi phí thực phẩm cũng tăng mạnh trong khi lương thì hầu như không tăng hoặc tăng rất ít. Thực trạng này khiến người lao động có thu nhập thấp ngày càng bất mãn với cách điều hành của các chính phủ, dẫn đến các cuộc biểu tình, bãi công, bất tuân dân sự bùng phát tại nhiều nước châu Âu trong vài tháng qua.
Các quốc gia châu Âu đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng bằng nhiều cách. Chính phủ Pháp có kế hoạch tái kích hoạt nhiều điện hạt nhân hơn. Tại Đức, Cơ quan mạng lưới Liên bang (BNetzA) thông báo nước này đã đạt được mục tiêu lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước thời hạn lên tới 95%. Tuy nhiên, người phát ngôn của BNetzA nói rằng, điều này là “chưa đủ”. Còn tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, một đường ống dẫn khí đốt sẽ được xây dựng nối bán đảo Iberia với Pháp và phần còn lại của châu Âu. Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã đồng ý hợp tác trong dự án, dự kiến làm tăng đáng kể khối lượng của 2 tuyến liên kết hiện có giữa Tây Ban Nha và Pháp.
Liên minh châu Âu đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh để xem xét các biện pháp tiếp theo có thể giúp giảm giá khí đốt. Hội nghị đã nhất trí về lộ trình ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay nhằm đạt được 3 mục tiêu: Hạ giá năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm nhu cầu. Nhưng, hành động thế nào để đạt các mục tiêu này gặp nhiều trở ngại.
Cho đến nay, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm nhà cửa vẫn ít hơn so với các tháng 10 thường lệ ở châu Âu. Tuy nhiên, nhà phân tích Torbjorn Soltvedt cảnh báo rằng khi nguồn cung cấp khí đốt của châu lục này giảm mạnh vào mùa đông sắp tới do lệnh cấm nhập khẩu từ Nga có hiệu lực, EU nhiều khả năng phải chứng kiến tình trạng rủi ro dân sự và bất ổn của chính trị gia tăng hơn nữa.
Các cuộc thăm dò cho thấy mức độ ủng hộ của người dân châu Âu với Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga bắt đầu sụt giảm. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng khi mùa đông đến gần. Đó cũng sẽ là phép thử đối với nỗ lực hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong xung đột kéo dài với Nga.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-bat-on-vi-bao-gia-i672142/