Châu Âu cần làm gì để xích lại gần hơn với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tháng 4/2021 là bước tiến cần, nhưng chưa đủ trong bối cảnh châu Âu cần gắn kết hơn nữa với khu vực này, bởi 'địa chính trị không chờ một ai'.
Trung tuần tháng 11, các cuộc gặp liên tiếp giữa lãnh đạo các nền kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đã cho thấy không ít cuộc tranh cãi nảy lửa.
Trong khi đó, chỉ vài ngày trước, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Phnom Penh (Campuchia) và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia), cũng như các cuộc gặp lớn khác đã lại mang đến nhiều điểm sáng cho khu vực và thế giới. Nhìn lại thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị cấp cao Đông Á, sau đây là năm bài học cho EU:
Ngoại giao và đa phương
Thứ nhất, biện pháp ngoại giao rất quan trọng. Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại Bali nhất trí dừng các hành động thể hiện thái độ thù địch trong thời điểm cạnh tranh căng thẳng là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Tuy nhiên, việc hai bên tạm ngưng cạnh tranh gay gắt chưa chắc có thể kéo dài tới năm mới, bởi xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là “thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ”. Dù vậy, các nỗ lực nhằm kịp thời ngăn chặn một chiến tranh lạnh mới đầy nguy hiểm là một điều đáng hoan nghênh.
Thứ hai, các diễn đàn đa phương đang có vai trò ngày càng quan trọng. Các nước lớn vẫn có nhiều sức ảnh hưởng, song không còn khả năng tự xoay xở trong một thế giới đa cực phức tạp như hiện nay. Vì vậy, nhờ chính sách ngoại giao kiên nhẫn và bền bỉ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, với tư cách là lãnh đạo của nước Chủ tịch G20, đã có thể điều phối hội nghị thượng đỉnh tại Bali và thuyết phục các nước, dù còn nhiều tranh cãi, đưa ra Tuyên bố chung.
Hiện thực hóa cam kết
Thứ ba, EU đang có bước đi chậm mà chắc tiến về phía Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng khối này vẫn cần phải làm nhiều điều hơn nữa.
Nếu chỉ đọc qua các tít báo sự kiện của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuần trước, có lẽ sẽ không ai biết EU vẫn đang hiện diện tại đây. Hiện EU vẫn chưa phải là một thành viên của EAS - diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực. Song Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã được chủ tọa, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, mời tham dự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng trở thành đại diện EU đầu tiên được mời tới dự APEC tại Bangkok, với tư cách là khách mời của nước chủ nhà Thái Lan.
Thứ tư, cũng giống như thời gian, địa chính trị cũng không chờ một ai.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU được công bố tháng 4/2021 hứa hẹn châu Âu sẽ đầu tư thêm thời gian và công sức để xích lại gần hơn với khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng rất tự hào với việc “ngả” về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu hậu Brexit của nước này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, khi Mỹ và Trung Quốc đang tích cực lôi kéo các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về mình, EU cần gấp rút chuyển hóa những cam kết của mình thành hành động tại khu vực này.
Ở thời điểm hiện tại, EU đã “nâng cấp cuộc chơi” với những thành viên cùng chí hướng của nhóm các nước được gọi là “phương Tây toàn cầu”, bất chấp khoảng cách về địa lý, và đôi khi là cả lịch sử và văn hóa. Những nước này đã liên kết với nhau thông qua lập trường xuyên Đại Tây Dương trong vấn đề Nga-Ukraine.
Hợp tác với ASEAN
Cuối cùng, EU cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN tiếp tục có vai trò trung tâm với an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sức ảnh hưởng của ASEAN sẽ còn lớn hơn nữa khi Indonesia đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên năm sau, đồng thời bảo đảm thực hiện lời hứa về lập trường cứng rắn hơn với Myanmar.
Được nâng cấp lên đối tác chiến lược vào tháng 12/2020, mối quan hệ giữa EU và ASEAN đã chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư và thương mại giữa hai khu vực này. Trong đó, các doanh nghiệp châu Âu ở ASEAN vẫn nhấn mạnh sự lạc quan đối với phục hồi kinh tế trong khu vực sau Covid-19. Vài năm qua, EU đã đạt các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng với hai nước ASEAN là Singapore và Việt Nam.
Tuy nhiên, để tăng cường sự liên kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU cần bảo đảm hội nghị cấp cao với ASEAN tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12 tới sẽ không “sa đà” vào câu chuyện Nga-Ukraine.
Bên cạnh đó, khối cũng không thể bỏ qua lo ngại của khu vực đối với chủ nghĩa bảo hộ xanh, cùng nỗi lo về xung đột tại châu Âu đang hạn chế khả năng tiếp cận của toàn cầu đối với năng lượng và lương thực. Hơn nữa, trong bối cảnh các hiệp định thương mại (FTA) đang ngày càng tăng tại Đông Nam Á, EU cần đẩy mạnh nỗ lực trong việc ký thỏa thuận thương mại tự do với Indonesia, cũng như nối lại đàm phán thương mại với Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Ngoài ra, tại hội nghị cấp cao sắp tới với ASEAN, EU cần thúc đẩy các thỏa thuận với ASEAN về nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, bên cạnh Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (CATA), đồng thời thúc đẩy FTA EU-ASEAN, điều doanh nghiệp EU luôn mong chờ.
Chặng đường của EU sẽ không hề dễ dàng khi phải cạnh tranh với sức mạnh quân sự của Mỹ và sức mạnh tài chính của Trung Quốc.
Ngoài ra, những ưu tiên khác nhau trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cũng khiến EU và các nước thành viên của ASEAN khó có thể đồng lòng trong vấn đề Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, cách chủ nhà Indonesia điều hành Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali là bằng chứng cho sức mạnh của chính sách ngoại giao kiên trì và điềm tĩnh. Đó là điều EU nói chung và các nước thành viên nói riêng cần học hỏi.