Châu Âu chật vật về một cơ chế thương mại với Iran
Việc Iran thông báo dự trữ u-ra-ni được làm giàu ở cấp độ thấp của nước này đã vượt ngưỡng cho phép theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc đã gây lo ngại cho các nước châu Âu. Ðộng thái này xuất hiện sau khi châu Âu không thể thực hiện các cam kết theo thỏa thuận. Cơ chế thương mại của châu Âu đưa ra nhằm giúp Iran 'né' lệnh trừng phạt của Mỹ chưa phát huy hiệu quả.
Nhằm thực hiện những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các nước châu Âu đã thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) để bảo đảm duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của quốc gia Hồi giáo trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế này vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran N.Zanganeh cho rằng, INSTEX sẽ thiếu hiệu quả nếu cơ chế này không cho phép Tehran bán dầu mỏ. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng từng đề xuất một giải pháp để kết nối cơ chế thanh toán trong INSTEX với các nguồn tài chính từ việc mua dầu thô của Iran trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay, INSTEX chưa thể giúp "hồi sinh" trao đổi thương mại song phương giữa Iran và EU do thiếu các nguồn ngân quỹ trả trước để bù đắp xuất khẩu cho Iran.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) A.Hemmati cho rằng, mặc dù Anh, Pháp và Ðức bị một số hạn chế trong khả năng mua dầu thô từ Iran do Mỹ tiếp tục gây sức ép, song ba cường quốc châu Âu này có thể thiết lập một nguồn tín dụng dài hạn để mua dầu thô từ Iran và sử dụng nguồn tài chính đó cho thanh toán thương mại. Ðiều này cũng sẽ giúp cơ chế INSTEX trở nên ổn định và hoạt động hiệu quả hơn.
Iran cũng coi cơ chế này là cớ để gây sức ép đối với các cường quốc châu Âu. Giới chức Tehran từng cảnh báo, nếu INSTEX không thể đáp ứng yêu cầu của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, thì nước này sẽ có những bước đi quyết đoán hơn. Và thực tế, Iran đã tuyên bố vượt qua giới hạn về dự trữ u-ra-ni làm giàu ở cấp thấp. Tehran thông báo khởi động quá trình làm giàu u-ra-ni ở cấp độ cao khi các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ lợi ích của nước này theo JCPOA trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các quan chức ngoại giao hàng đầu EU lấy làm tiếc về quyết định của Iran, cho rằng quyết định này làm lung lay một công cụ thiết yếu phục vụ mục đích không phổ biến vũ khí hạt nhân. EU kêu gọi Iran đảo ngược bước đi này và kiềm chế, không đưa ra thêm các biện pháp làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân.
Lượng dầu thô xuất khẩu của Iran tiếp tục giảm trong tháng 6-2019 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới. Trong ba tuần đầu tháng 6, Iran xuất ra nước ngoài khoảng 300 nghìn thùng/ngày, giảm so với mức xuất khẩu 400 nghìn đến 500 nghìn thùng/ngày được ghi nhận vào tháng 5. Tuy nhiên, đây chỉ là con số lẻ so với lượng dầu xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày của Iran hồi tháng 4-2018, thời điểm trước khi Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Các nước châu Âu bày tỏ lo ngại về những tuyên bố giảm tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân của Iran. Châu Âu tái khẳng định, việc các nước phương Tây có duy trì cam kết nêu trong thỏa thuận hạt nhân hay không phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran. Những nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử đang trở nên ngày càng khó khăn khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran leo thang căng thẳng, tiếp tục "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau.