Châu Âu chạy đua ứng phó sau khi Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine
Những thay đổi bất ngờ trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến châu Âu rơi vào tình thế phải hành động khẩn cấp. Từ cuộc họp tại Paris đến những tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo, châu Âu đang đứng trước ngã rẽ quyết định: tự chủ chiến lược hay tiếp tục phụ thuộc vào Washington?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới dự Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của châu Âu về an ninh khu vực và Ukraine, tại Paris, ngày 17/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Những diễn biến gần đây trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các nước châu Âu, buộc họ phải tìm kiếm giải pháp thống nhất để đối phó với tình hình ngày càng phức tạp tại Ukraine.
Ngay trước thềm cuộc họp khẩn cấp tại Điện Elysee, Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump để thảo luận về tình hình. Cuộc họp khẩn cấp tại Paris diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn đang choáng váng sau những phát biểu gây sốc của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Diễn đàn An ninh Munich cuối tuần trước. Mối quan ngại lớn nhất của các nhà lãnh đạo châu Âu là việc chính quyền Trump có thể tìm cách đàm phán hòa bình với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine, chứ chưa nói đến Liên minh châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu ÂuUrsula von der Leyen nhấn mạnh tính cấp thiết của tình hình khi tuyên bố trên mạng xã hội X: "An ninh của châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt. Đúng, vấn đề là về Ukraine - nhưng cũng là về chúng ta". Bà kêu gọi các nước thành viên "tăng mạnh" chi tiêu quốc phòng để đối phó với tình hình mới.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc London thể hiện cam kết đối với an ninh châu Âu sau Brexit, đã tuyên bố sẵn sàng "triển khai lực lượng trên bộ ở Ukraine nếu cần thiết". Ông mô tả đây là "khoảnh khắc nghìn năm có một vì an ninh chung của lục địa".
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người cho rằng việc thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình là "hoàn toàn vội vã" và "không phù hợp" trong khi chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Thủ tướng Scholz thậm chí còn bày tỏ sự "khó chịu" về cuộc tranh luận mà ông cho là "không đúng thời điểm và không đúng chủ đề".
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cũng chia sẻ quan điểm với Đức khi cho rằng "hiện tại không ai có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, đặc biệt là vì hòa bình vẫn còn xa vời". Đến nay, chỉ có một số ít quốc gia châu Âu - Anh, Pháp và Thụy Điển - báo hiệu họ sẵn sàng triển khai quân đến Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ quan ngại sâu sắc về năng lực phòng thủ của châu Âu so với Nga. Ông kêu gọi các đồng minh "ngay lập tức" tăng cường khả năng quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không thể giúp đỡ Ukraine một cách hiệu quả nếu không thực hiện ngay các bước thiết thực liên quan đến năng lực phòng thủ của chính mình".
Một diễn biến đáng chú ý khác là cuộc gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga tại Riyadh, Saudi Arabia. Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu, cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff, đã gặp gỡ đoàn đại biểu Nga, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov. Ukraine và phía châu Âu không được mời tham gia sự kiện này.
Tờ Le Monde của Pháp đánh giá sự rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ là "lịch sử", đồng thời nhận định: "Sự mập mờ của châu Âu đã kết thúc đột ngột tại Munich. Từ giờ trở đi, an ninh của lục địa phụ thuộc chủ yếu vào chính châu Âu và vào khả năng duy trì sự thống nhất của họ".
Kết thúc cuộc họp tại Paris, Thủ tướng Đức Scholz một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương: "Không được phân chia an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Mỹ. NATO dựa trên việc chúng ta luôn hành động cùng nhau và chia sẻ rủi ro, qua đó đảm bảo an ninh của chúng ta. Điều này không được phép bị nghi ngờ".