Châu Âu chia rẽ trong bài toán khí hóa lỏng từ Nga

Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức đối với LNG của Nga.

Cơ quan quản lý năng lượng của EU đã cảnh báo khối vẫn cần nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga để tránh cú sốc năng lượng, ngay cả khi một nhóm quốc gia thành viên hướng đến việc ngừng nhập nhiên liệu từ Moscow.

Acer, cơ quan giám sát năng lượng của khối, hôm 19/4 cho biết những nỗ lực nhằm hạn chế lượng nhập khẩu LNG từ Nga kỷ lục của châu Âu “cần được tiếp cận thận trọng” vì nguồn cung khí đốt qua đường ống từ nước này sẽ giảm vào cuối năm nay.

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng của Nga cập cảng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ủy ban Châu Âu đã đề xuất ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Ảnh: Reuters

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng của Nga cập cảng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ủy ban Châu Âu đã đề xuất ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Ảnh: Reuters

“Việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét từng bước,” Acer cho biết trong một báo cáo, nhấn mạnh khó khăn của EU trong việc cân bằng an ninh năng lượng với nỗ lực tác động đến tài chính của Nga thông qua việc cắt giảm mua khí đốt.

Dù EU thành công trong việc thay thế khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022, thị trường khí đốt toàn cầu vẫn thắt chặt.

Thị trường năng lượng đã biến động mạnh trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về khả năng leo thang giữa Israel với Hamas và đối đầu với Iran, dù cho đến nay việc tăng giá dầu và khí đốt vẫn tương đối được kiềm chế.

Phần lớn các quốc gia EU đã giảm bớt sự chuyển hướng khỏi khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng cường mua LNG từ Moscow cũng như các nhà cung cấp khác.

Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho khối sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu vào năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, 15,5 triệu tấn LNG của Nga được các quốc gia EU mua vào năm ngoái cao hơn gần 40% so với tổng lượng vào năm 2021.

Các nhà ngoại giao EU cho biết các quốc gia bao gồm Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức đối với LNG của Nga, một bước đi đòi hỏi sự nhất trí của các tất cả các quốc gia thành viên.

Mặt khác, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ nhập khẩu nhiên liệu này, và một phần được bán cho Đức và các nước láng giềng Trung Âu, những nước lo ngại về việc giảm chi phí năng lượng cho ngành công nghiệp.

Cơ quan giám sát EU cũng bày tỏ lo ngại về việc các quốc gia thành viên riêng lẻ sử dụng quyền lực mới “để tạm thời hạn chế nguồn cung khí đốt, bao gồm LNG, từ Nga và Belarus”, lưu ý rằng những động thái như vậy có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp dài hạn đã thỏa thuận với Moscow trước xung đột Nga-Ukraine.

Việc phá vỡ các hợp đồng như vậy có thể buộc các công ty châu Âu phải trả những khoản phạt nặng.

Cơ quan quản lý nhấn mạnh rằng việc chấm dứt vận chuyển qua đường ống từ Nga qua Ukraine tới EU trong năm nay sẽ làm giảm nguồn cung cấp khí đốt của khối này khoảng 13,6 tỷ mét khối, tương đương khoảng 4% tổng lượng tiêu thụ của năm ngoái.

Nhìn chung, nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga đã giảm khoảng 2/3 so với mức trước cuộc xung đột, ngay cả khi nguồn cung đã chuyển từ đường ống sang LNG.

Các quan chức EU đã kêu gọi các công ty châu Âu tránh mua LNG của Nga khi dự trữ khí đốt đang đạt kỷ lục và giá đã giảm so với mức đỉnh sau cuộc xung đột.

EU đã cấm nhập khẩu dầu và than của Nga, đồng thời đề xuất chấm dứt tất cả việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng tiềm tàng trong nội bộ EU về an ninh năng lượng, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã cảnh báo rằng việc Đức đánh thuế vận chuyển khí đốt từ nước này có thể buộc họ phải tăng nhập khẩu từ Nga.

Ủy ban châu Âu cho biết “các biện pháp đơn phương dưới hình thức hạn chế xuất khẩu hoặc đánh thuế tại các điểm xuất cảnh xuyên biên giới sẽ gây nguy hiểm cho tinh thần đoàn kết năng lượng của toàn khối”.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-chia-re-trong-bai-toan-khi-hoa-long-tu-nga.html