Châu Âu có đủ sức gồng gánh cho Ukraine trước bước lùi hỗ trợ quân sự của Mỹ?

Châu Âu có đủ nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu của Ukraine giữa bối cảnh gói ngân sách quan trọng hỗ trợ cho Kiev vẫn bế tắc ở Quốc hội Mỹ?

Bước lùi hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã không thông qua gói hỗ trợ mới giữa bối cảnh Ukraine đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác bên ngoài. Nếu Mỹ không tiếp tục ủng hộ, việc hỗ trợ cho Ukraine có thể trở thành gánh nặng lớn cho các đối tác khác.

Ngày 12/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp các thượng nghị sĩ Mỹ để kêu gọi sự hỗ trợ của Washington, nêu chi tiết việc Nga sẽ có lợi thế như thế nào nếu Ukraine bị đánh bại và châu Âu suy yếu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra cảnh báo tương tự về kịch bản này và cho rằng Nga sẽ tấn công các nước khác sau khi chiếm được Ukraine.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS phóng tên lửa ở Bakhmut vào tháng 5/2023. Ảnh: Getty

Hệ thống pháo phản lực HIMARS phóng tên lửa ở Bakhmut vào tháng 5/2023. Ảnh: Getty

Các chuyên gia nhận định, Nga sẽ giành lợi thế nếu có bất kỳ sự sụp đổ nào trong sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vào năm tới.

"Nếu phương Tây cắt hỗ trợ cho Ukraine, Nga sẽ giành chiến thắng", chuyên gia George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định với Business Insider.

Những đánh giá trên đã phác họa một bức tranh khá ảm đạm cho Ukraine cũng như các quốc gia khác nếu chính trường Mỹ phân cực về vấn đề cung cấp thêm hỗ trợ. Trong khi Ukraine vẫn có thể dựa vào sự hỗ trợ của châu Âu thì hiện chưa rõ họ sẽ hỗ trợ cho Kiev ở mức độ nào. Tương tự Mỹ, các nước Anh, Đức và Pháp đều đối mặt với kho vũ khí cạn kiệt cũng như nguồn lực hạn chế.

Ông Dan Rice - Hiệu trưởng Đại học Mỹ tại Kiev nhận định, nếu Mỹ không sớm cung cấp hỗ trợ thì lực lượng vũ trang Ukraine sẽ sụp đổ.

Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã ngăn chặn gói hỗ trợ mới đây ước tính trị giá khoảng 111 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine và Israel, đồng thời từ chối thay đổi quyết định trừ khi dự luật trên bao gồm các chính sách nhập cư và biên giới nghiêm ngặt.

Sự chia rẽ này đã khiến Tổng thống Biden thừa nhận tuần trước rằng ông sẵn sàng "đưa ra nhượng bộ đáng kể về vấn đề biên giới". Dù vậy, điều này vẫn chưa đủ.

Hiện nay, chỉ còn một vài ngày trước khi Quốc hội ngừng họp cho nghỉ lễ, đồng nghĩa với việc thời gian cho một thỏa thuận đang đếm ngược. Các quan chức và chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ mới của Mỹ vô cùng cần thiết để Ukraine duy trì phòng tuyến hiện tại giữa bối cảnh Nga nối lại các cuộc tấn công trên tiền tuyến.

Ông Barros nhận định với Business Insider rằng tình hình bế tắc hiện tại trên chiến trường không ổn định và quyết định được phương Tây đưa ra về việc có nối lại sự hỗ trợ cho Ukraine hay không có thể dễ dàng thay đổi cán cân giữa hai bên.

Khoảng trống của Mỹ

Cuộc xung đột hiện nay đã biến thành một cuộc xung đột tiêu hao. Cả hai bên đang mở rộng nhân lực và đạn dược với tỷ lệ kinh ngạc, làm tiêu hao lực lượng đối phương để đổi lấy các thành quả hạn chế về lãnh thổ.

Mức độ tiêu hao đạn dược của Ukraine đã gây sức ép lên Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, Nga - bị hạn chế bởi lệnh trừng phạt quốc tế, cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Moscow không sẵn sàng huy động toàn bộ đất nước cho một cuộc chiến tổng lực.

Hiện nay, dường như điều đó đang dịch chuyển.

"Tình hình cung cấp quân sự của Nga đang ngày càng cải thiện", Giáo sư Justin Bronk thuộc Học viện Không quân Hoàng gia Na Uy, đồng thời là học giả nghiên cứu cấp cao về không lực và công nghệ trong nhóm khoa học quân sự tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI) đánh giá. Theo ông, sản xuất đạn pháo của Nga đã tăng gần gấp đôi.

Một số đối tác của Ukraine cũng ưu tiên sản xuất đạn dược. Mỹ hy vọng sẽ tăng đáng kể sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm từ con số 30.000 quả/tháng hiện nay lên 100.0000 quả/tháng vào năm 2025.

"Đạt được tỷ lệ sản xuất cao hơn là một kiểu cùng thắng. Mỹ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine và Israel, đồng thời bổ sung kho đạn dược nhanh hơn", Douglas R. Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ nhận định với Business Insider.

Các đối tác NATO khác của Ukraine cũng tăng cường sản xuất đạn dược nhưng Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - Đô đốc Rob Bauer thừa nhận yêu cầu vũ khí và đạn dược của Ukraine cũng như mức độ sử dụng chúng của Kiev thực sự lớn, vượt quá khả năng sản xuất của liên minh này.

Thậm chí cả khi châu Âu có thể nhanh chóng đạt được những gì họ cần thì đây vẫn là điều phức tạp, nếu Mỹ - chiếm phần lớn hỗ trợ cho Ukraine, không tiếp tục ủng hộ Kiev.

Theo Viện Kiel, Mỹ là nước hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra với cam kết hỗ trợ khoảng 47,33 tỷ USD từ cuối tháng 1/2022 - tháng 10/2023. Các nước hỗ trợ quân sự lớn tiếp theo là Đức với 18,48 tỷ USD và Anh là 7,09 tỷ USD.

Liên minh châu Âu cũng là một lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev. Trong số các cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine từ cuối tháng 1/2022 - tháng 10/2023, Mỹ chiếm 43% và các quốc gia cũng như tổ chức của EU chiếm 47%. Dù vậy, những cam kết này vẫn chỉ đủ để đảm bảo tình hình bế tắc tiếp diễn.

"Nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, khả năng duy trì giao tranh của Ukraine sẽ bị đặt câu hỏi nghiêm trọng. Họ đơn giản là không có nguồn lực đẩy sản xuất số lượng lớn đạn dược cần thiết", Giáo sư David Silbey thuộc Đại học Cornell đánh giá.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-co-du-suc-gong-ganh-cho-ukraine-truoc-buoc-lui-ho-tro-quan-su-cua-my-post1065252.vov