Châu Âu có những lựa chọn gì để tự vệ nếu không còn Mỹ?

Đối mặt nhiều rào cản tài chính, chính trị và quân sự, châu Âu có những lựa chọn gì để xây dựng một chiến lược phòng thủ độc lập và đủ khả năng bảo vệ Ukraine nếu vắng bóng Mỹ?

Cuộc chiến Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào cảm giác an toàn của châu Âu. Trong nhiều thập niên, lục địa này dựa một phần lớn vào sự bảo trợ của Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để duy trì sự ổn định. Nay, trước viễn cảnh Washington có thể giảm cam kết, các quốc gia châu Âu buộc phải tìm ra con đường riêng để đảm bảo an ninh - điều cực kỳ khó khăn trong bối cảnh châu lục này đang đối mặt nhiều thách thức nội bộ.

Châu Âu có những lựa chọn gì?

Châu Âu đang đối mặt một thực tế không thể chối cãi: sự bảo trợ an ninh từ Mỹ - vốn là nền tảng của trật tự an ninh châu Âu từ sau Thế chiến II - có thể không còn chắc chắn như trước. Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ chính mình, theo trang web Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations - tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ).

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz, “nguyên tắc cơ bản” trong cách tiếp cận của Mỹ là để châu Âu tự lo liệu cuộc xung đột với Nga trong tương lai. Điều đó có nghĩa là Washington có thể thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, nhưng sau đó, toàn bộ trách nhiệm đảm bảo an ninh sẽ thuộc về người châu Âu.

 Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: NATO

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: NATO

Tuy nhiên, sự thay đổi này không chỉ đặt ra thách thức về việc phòng thủ Ukraine mà còn tạo ra một câu hỏi lớn hơn: châu Âu có thể duy trì hòa bình và an ninh mà không cần sự bảo trợ từ Mỹ hay không? Nếu họ thất bại, không chỉ Ukraine mà toàn bộ hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương - trụ cột của ổn định châu Âu suốt gần tám thập niên - có nguy cơ sụp đổ.

Theo hai học giả gồm ông Paul B. Stares - chuyên gia về phòng ngừa xung đột tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và ông Michael O’Hanlon - chuyên gia về quốc phòng và chiến lược tại Viện chính sách Brookings (Mỹ), châu Âu có thể đi theo ba hướng để đảm bảo an ninh của mình nếu Mỹ giảm bớt cam kết.

Thứ nhất, châu Âu có thể củng cố sức mạnh quân sự của NATO mà không cần dựa vào Mỹ. Đây là một kịch bản mang tính chuyển đổi lớn, vì NATO vốn là một liên minh quân sự mà Mỹ giữ vai trò trung tâm. Nếu Washington thu hẹp sự tham gia, các quốc gia châu Âu, đặc biệt là thành viên NATO, sẽ phải gia tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể, phát triển một cơ cấu chỉ huy độc lập và điều chỉnh chiến lược quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Nga.

Thứ hai, châu Âu có thể tăng cường Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung (CSDP). Một quân đội châu Âu độc lập đã từng là một khái niệm gây tranh cãi, nhưng nếu Mỹ rút lui, châu Âu sẽ phải tiến xa hơn trong việc phát triển một lực lượng quân sự có khả năng tự vệ và triển khai ở quy mô lớn. Điều này đòi hỏi sự thống nhất giữa các nước thành viên, vốn không dễ đạt được, đặc biệt khi một số quốc gia vẫn dựa vào NATO và do dự trước ý tưởng về một quân đội chung dưới sự chỉ huy của Liên minh châu ÂU (EU).

Thứ ba, nếu cả NATO lẫn EU không thể đáp ứng nhu cầu an ninh của khu vực, một lựa chọn khác là thành lập một "liên minh những người sẵn sàng" - một nhóm các quốc gia châu Âu cam kết hợp tác quân sự mà không cần sự đồng thuận của toàn bộ EU.

Liên minh này có thể bao gồm Đức, Pháp, Anh, Ba Lan và một số nước Đông Âu, tập trung vào việc bảo vệ sườn phía đông của châu Âu trước mối đe dọa từ Nga. Đây là một mô hình đã có tiền lệ, chẳng hạn như Lực lượng Viễn chinh Chung (JEF) do Anh dẫn đầu, hoạt động độc lập với NATO nhưng vẫn sử dụng tài nguyên của liên minh này khi cần thiết.

Dù lựa chọn con đường nào, châu Âu cũng không thể tránh khỏi việc tăng chi tiêu quân sự. Ước tính, chỉ riêng việc hỗ trợ Ukraine duy trì năng lực phòng thủ cũng đã cần khoảng 20–40 tỉ USD mỗi năm. Nếu châu Âu thực sự muốn đảm bảo an ninh mà không có Mỹ, họ sẽ phải đầu tư mạnh hơn nữa để duy trì lực lượng quân sự đủ sức răn đe trước các mối đe dọa tiềm tàng.

Những rào cản lớn

Theo hãng tin Reuters, dù có nhiều lựa chọn, nhưng việc châu Âu thực sự có thể tự bảo vệ mình mà không cần Mỹ vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Rào cản đầu tiên là sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU. Để đạt được một chiến lược an ninh chung, châu Âu phải thuyết phục các nước thành viên EU - nhiều nước trong số đó đang có quan điểm khác nhau về chính sách đối ngoại - cùng chung tay hành động. Nhưng ngay cả khi đạt được đồng thuận, họ cũng cần vượt qua những thách thức về tài chính và hậu cần để triển khai một lực lượng quân sự đủ mạnh.

Rào cản thứ hai là sự phụ thuộc vào Mỹ vẫn còn rất lớn. Mặc dù châu Âu có thể tự tăng cường năng lực quân sự, nhưng trong ngắn hạn, họ vẫn cần sự hỗ trợ của Washington để duy trì một thế cân bằng với Nga. Điều này có nghĩa là Mỹ không thể hoàn toàn rút lui. Thực tế, chính quyền ông Trump có thể phải duy trì một số lực lượng ở Ba Lan và vùng Baltic, với ít nhất 10.000 quân để đảm bảo tính răn đe.

Cuối cùng, châu Âu đang chạy đua với thời gian. Việc xây dựng một lực lượng phòng thủ tự chủ không thể diễn ra trong một sớm một chiều, trong khi xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nếu châu Âu không hành động kịp thời, họ có thể mất khả năng kiểm soát tình hình trước khi có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

Như vậy, châu Âu có thể tự bảo vệ mình nếu không còn Mỹ không? Câu trả lời là có - nhưng không dễ dàng. Họ có thể xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn thông qua NATO, EU hoặc một liên minh những người sẵn sàng, nhưng tất cả những phương án này đều cần thời gian, tiền bạc và sự đồng thuận chính trị.

Vai trò của châu Âu đối với Ukraine

Dù muốn hay không, Ukraine sẽ trở thành phép thử quan trọng nhất cho khả năng tự chủ của châu Âu, theo các chuyên gia Paul B. Stares và Michael O’Hanlon.

Nếu không có Mỹ, châu Âu sẽ phải tự mình đảm bảo rằng Ukraine không sụp đổ và Nga không lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn để củng cố lực lượng trước khi tấn công lần nữa. Điều này không chỉ đòi hỏi viện trợ quân sự liên tục mà còn có thể cần đến sự hiện diện quân sự trực tiếp của châu Âu trên lãnh thổ Ukraine.

Một lựa chọn khả thi là sử dụng mô hình “Berlin+”, theo đó EU có thể triển khai các nguồn lực quân sự của NATO để hỗ trợ Ukraine mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Đây là mô hình từng được áp dụng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Balkan, và nếu thành công, nó có thể giúp châu Âu chứng minh vai trò địa chính trị của mình mà không cần đến Washington.

Tuy nhiên, nếu NATO hoặc EU không thể đạt được sự đồng thuận, một giải pháp thay thế là thành lập một “liên minh những người sẵn sàng” như đã nói ở trên. Liên minh này có thể triển khai một lực lượng quân sự khoảng 20.000 quân để duy trì sự ổn định ở Ukraine và ngăn chặn bất kỳ động thái gây hấn nào từ Moscow.

Mặc dù con số này nhỏ hơn nhiều so với lực lượng 200.000 quân mà Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky từng đề xuất, nhưng với cơ cấu tổ chức hiện đại, nó vẫn có thể đủ để răn đe và đối phó với các tình huống bất ngờ.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chau-au-co-nhung-lua-chon-gi-de-tu-ve-neu-khong-con-my-post835148.html