Châu Âu 'cởi trói' cho Ukraine và sự lưỡng lự của Mỹ

Châu Âu gần đây bắt đầu bỏ một số hạn chế mà họ tự áp đặt trong hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine, dù Nga nhắc lại cảnh báo những hành động như vậy có thể gây ra 'chiến tranh thế giới'.

Đơn vị súng cối Ukraine bắn vào vị trí của Nga ở khu vực Kharkiv đầu tháng 5. (Ảnh: Getty)

Đơn vị súng cối Ukraine bắn vào vị trí của Nga ở khu vực Kharkiv đầu tháng 5. (Ảnh: Getty)

Ngày 26/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Pháp để tấn công vào lãnh thổ Nga, điều mà Ukraine khẩn cầu từ khi Nga mở lại chiến trường Kharkiv.

“Chúng tôi nghĩ rằng nên cho phép họ vô hiệu hóa các điểm quân sự nơi tên lửa được phóng đi, và cơ bản là các điểm quân sự tấn công vào Ukraine”, ông Macron nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi đang có chuyến thăm Đức.

“Ukraine đang bị tấn công từ các căn cứ ở Nga. Vậy làm sao chúng ta có thể giải thích với người Ukraine rằng chúng ta sẽ phải bảo vệ những thị trấn này… nếu nói với họ rằng họ không được phép bắn vào nơi mà tên lửa được bắn ra?”, ông Macron nói.

Tổng thống Pháp yêu cầu Ukraine không dùng vũ khí của Pháp để nhằm vào mục tiêu dân sự.

Hệ thống phòng không của Ukraine thường không đủ sức đương đầu với các trận mưa tên lửa và máy bay không người lái bắn từ Nga và bán đảo Crimea, và Kiev nói rằng họ cần tấn công các bãi phóng tên lửa và sân bay của Nga.

Từ những sân bay đó, Nga điều động máy bay thả khoảng 3.000 quả bom lượn mỗi tháng - loại đạn khổng lồ thường nặng 250kg hoặc 500kg, cách mà các nhà phân tích quân sự cho rằng đã giúp Mátxcơva giành được thế chủ động trên tiền tuyến.

Hiện tại, Ukraine chỉ có thể bắn hạ máy bay mang loại bom lượn và họ đã làm như vậy 2 lần trong tuần này, khi bắn rơi máy bay Sukhoi-25 trên bầu trời Kharkiv ngày 22/5 và Donetsk vào ngày hôm sau. Kiev cũng đã che mắt một phần các phi công Nga bằng cách bắn rơi máy bay radar A-50 chuyên làm nhiệm vụ trinh sát và khóa mục tiêu.

Nhưng Ukraine cho rằng điều đó chưa đủ, bởi vì tên lửa, bom lượn và máy bay không người lái của Nga liên tục xuất hiện và giờ đây lại xuất hiện mặt trận mới. Kiev cũng tin rằng họ cần tấn công các sân bay, bãi phóng tên lửa và các tiểu đoàn đóng quân phía bên kia bên giới, cách đó vài kilomet.

Phát biểu tại Kharkiv ngày 26/5, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói rằng Nga sắp thực hiện một cuộc tấn công mới trên bộ. “Nga đang chuẩn bị cho cuộc tấn công cách đây 90km về phía tây bắc. Họ tập hợp một nhóm quân khác gần biên giới của chúng tôi”, ông nói với báo chí.

Hiện tại, Ukraine chỉ có thể tấn công Nga bằng tên lửa phòng không S-200/S-300 thời Liên Xô hoặc máy bay không người lái sản xuất trong nước, mang theo lượng thuốc nổ nhỏ và dễ dàng bị phòng không Nga bắn hạ.

Các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu nhận ra điều này. Ngày 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO bỏ phiếu cho phép mở rộng sử dụng vũ khí và đẩy nhanh hoạt động cung cấp vũ khí.

Tuyên bố 489 được Hội đồng thông qua kêu gọi các đồng minh “ủng hộ Ukraine thực hiện quyền tự vệ quốc tế bằng cách dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do đồng minh NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu chính đáng ở Nga”.

Đáng chú ý, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg quyết định làm ngược lại chính sách của thành viên quan trọng nhất – Mỹ.

Ông Stoltenberg nói với báo The Economist: “Đã đến lúc các đồng minh cân nhắc có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí đã viện trợ cho Ukraine hay không”.

“Đặc biệt hiện nay khi nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkiv, gần biên giới (với Nga), Ukraine sẽ khó tự vệ nếu không được phép sử dụng những vũ khí này để tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga”, ông nói.

Tổng thống Macron không phải nhà lãnh đạo NATO đầu tiên dỡ bỏ hạn chế. Ngoại trưởng Anh David Cameron làm như vậy trong chuyến thăm Kiev ngày 3/5.

Từ tháng 5/2023, Pháp và Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Scalp/Storm Shadow có tầm bắn 250 km. Tháng trước, Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 300 km.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết ngày 29/5: “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi về cách chúng tôi tin rằng người Ukraine có thể thành công trên chiến trường. Nhưng tôi để các quốc gia khác nói về vũ khí mà họ cung cấp”.

Báo New York Times đưa tin, Ngoại trưởng Antony Blinken bất đồng với các thành viên khác trong nội các về việc cấm sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công vào trong đất Nga.

Trong chuyến thăm Kiev ngày 15/5, ông Blinken nói: “Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép tấn công ra khỏi phạm vi Ukraine, nhưng cuối cùng Ukraine phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc xung đột này”. Phát biểu của ông được hiểu là báo hiệu khả năng Mỹ sẽ thay đổi chính sách.

Thái độ của Nga

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo ở Belarus ngày 30/5 rằng Nhà Trắng không hề rơi vào tình thế khó xử nào.

“Washington đang cố gắng… giả vờ như quyết định vẫn chưa được đưa ra. Đó là một chiêu trò. Chúng tôi chắc chắn rằng vũ khí của Mỹ và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp đang được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”, Ngoại trưởng Lavrov nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu Ukraine sử dụng vũ khí châu Âu để tấn công vào trong lãnh thổ Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên mạng xã hội X: “Người Mỹ tấn công các mục tiêu của chúng tôi nghĩa là bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới".

Mátxcơva gần đây tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhằm gửi tín hiệu nhắc nhở phương Tây chớ can dự sâu hơn vào Ukraine.

Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại trường King's College London, cho rằng nguy cơ leo thang chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn cho phép sử dụng vũ khí Mỹ tấn công vào Nga.

“Những phát biểu của Tổng thống Putin nên được nhìn dưới góc độ này: ông ấy đang cố gắng khơi dậy nỗi sợ hãi của những người tin rằng việc vượt qua ranh giới đỏ sẽ đẩy mối quan hệ giữa NATO với Nga sang giai đoạn mới nguy hiểm hơn”, ông Tuck nói.

Nỗi lo của chính quyền Biden có thể vì Ukraine ngày càng táo bạo hơn với việc tấn công các mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong nước Nga, như nhà máy lọc dầu.

Theo ông Tuck, cuối cùng Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ hạn chế về sử dụng vũ khí trong đất Nga, nhưng Ukraine sẽ phải cẩn thận lựa chọn mục tiêu tấn công và tránh gây thương vong cho dân thường.

“Lực lượng của Nga đạt được tiến bộ chậm ở Kharkiv, vì vậy có thể Mỹ sẽ đưa ra quyết định kịp thời để có đóng góp hữu ích về mặt quân sự cho Ukraine. Nhưng đó không phải là quyết định có thể thay đổi cục diện cuộc chiến”, ông Tuck nhận định.

Bình Giang

Theo Al Jazeera, NBC News

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chau-au-coi-troi-cho-ukraine-va-su-luong-lu-cua-my-post1641955.tpo