Châu Âu đã 'cai nghiện' khí đốt của Nga như thế nào trong ba năm qua

Từ mức 80% lệ thuộc năm 2021, Đông Âu giảm nhập khí Nga xuống 37,6% vào 2024 - một kỳ tích chuyển mình sâu sắc.

Trong ba năm qua, các quốc gia Đông Âu đã có những bước chuyển mình đáng kể để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga, một thay đổi từng được xem là bất khả thi cách đây không lâu.

Hình minh họa đường ống khí đốt trên nền cờ Châu Âu và Nga. Ảnh: Getty

Hình minh họa đường ống khí đốt trên nền cờ Châu Âu và Nga. Ảnh: Getty

Từ chỗ gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Nga vào năm 2021, khu vực này đã chứng kiến sự đa dạng hóa nguồn cung ấn tượng, nhờ vào việc mở rộng công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tận dụng nguồn cung từ Na Uy, Azerbaijan và cải thiện kết nối liên vùng.

Hành trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

Năm 2021, Đông Âu là khu vực phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga, với tỷ lệ trung bình lên đến 80% nguồn cung khí đốt của mỗi quốc gia. Chỉ có hai nước là Albania và Kosovo không nhập khẩu chút khí đốt nào từ Nga.

Tuy nhiên, đến năm 2024, bức tranh đã thay đổi rõ rệt. Thêm năm quốc gia nữa trong khu vực đã chấm dứt hoàn toàn việc nhập khí đốt từ Nga, nâng tổng số lên sáu nếu không tính Transnistria trong dữ liệu của Moldova. Tỷ lệ khí đốt Nga cung cấp cho Đông Âu giảm mạnh từ 80% xuống còn 37,6%.

Ông Maximilian Hess, nhà sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Enmetena Advisory kiêm nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nhận định: “Đến đầu năm 2025, hầu hết các nước Đông Âu đã cắt giảm đáng kể hoặc loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga”.

Dù vậy, vẫn còn một số ngoại lệ như Hungary, Serbia và Slovakia, nơi tiếp tục nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và mạng lưới BalkanStream.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Liên minh châu Âu (EU) đã tìm kiếm nguồn cung từ các nhà xuất khẩu khác, nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển vượt bậc của hạ tầng nhập khẩu LNG tại châu Âu và các nước láng giềng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đây là một cuộc chuyển đổi đáng kinh ngạc mà nhiều người vào năm 2022 từng cho là không thể thực hiện được”, ông Hess nhấn mạnh.

Từng quốc gia và những nỗ lực cụ thể

Áo đã ngừng nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2025, từ mức phụ thuộc 83-98% giai đoạn 2021-2023, nhờ vai trò trung tâm lưu trữ và phân phối khí đốt ở Trung-Đông Âu.

Ba Lan giảm từ 78,3% phụ thuộc năm 2021 xuống 0% vào năm 2025, với terminal LNG Świnoujście (8,3 tỷ m³), đường ống Baltic Pipe từ Na Uy (10 tỷ m³) và terminal Gdańsk đang xây dựng.

Hungary vẫn nhập khí đốt Nga qua TurkStream và BalkanStream vào năm 2025, dù giảm từ 95% năm 2021, do chính sách thân Nga của Thủ tướng Viktor Orbán.

Serbia phụ thuộc 89% vào Nga năm 2021 và tiếp tục nhận khí qua TurkStream, duy trì hợp đồng dài hạn với Gazprom.

Ukraine chấm dứt vai trò trung chuyển khí đốt Nga vào năm 2024 và đang tìm nguồn cung mới không từ Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa năm 2025.

Các quốc gia khác như Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, các nước Baltic và Romania cũng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga thông qua LNG, hợp đồng với Azerbaijan hoặc dự án tự chủ như Neptun Deep, trong khi Slovakia và Moldova vẫn duy trì một phần nguồn cung từ Nga.

Ý nghĩa của sự chuyển đổi

Sự thay đổi trong cơ cấu nguồn cung khí đốt của Đông Âu không chỉ là câu chuyện về năng lượng, mà còn phản ánh nỗ lực lớn nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị.

Dù một số nước như Hungary hay Serbia vẫn duy trì quan hệ năng lượng với Nga, xu hướng chung cho thấy châu Âu đang dần thoát khỏi sự phụ thuộc từng kéo dài hàng thập kỷ. Đây là minh chứng cho khả năng thích ứng và tầm nhìn chiến lược của khu vực trước những thách thức lớn.

Dũng Phan (Theo Intelli News)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-da-cai-nghien-khi-dot-cua-nga-nhu-the-nao-trong-ba-nam-qua-10288165.html