Châu Âu đánh thuế lợi nhuận đột biến của ngành ngân hàng
Trong tuần này, Ý đã trở thành thị trường lớn nhất châu Âu áp đặt thuế lợi nhuận đột biến đối với với các ngân hàng. Động thái này đưa Ý gia nhập làn sóng các chính phủ trong khu vực tìm cách huy động tiền mặt để hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn do giá thực phẩm tăng cao bằng cách nhắm vào lợi nhuận của những ngân hàng đang thu lợi nhuận khổng lồ nhờ lãi suất tăng.
Hôm 7-8, chính phủ Ý phê duyệt mức thuế 40% một lần đối với lợi nhuận mà các ngân hàng thu được từ lãi suất cho vay cao hơn sau khi chỉ trích họ không tăng lãi cho người gửi tiền gửi tiền. Quyết định của Ý gây sốc và khiến giá cổ phiếu của các ngân hàng trên khắp châu Âu lao dốc. Chỉ số cổ phiếu ngân hàng của Ý giảm 7,7% hôm 8-8, với giá cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất đất nước Intesa Sanpaolo giảm 8,4%.
Trong năm qua, các chính phủ khác của Liên minh châu Âu ở Tây Ban Nha, Hungary, Cộng hòa Séc và Litva cũng đã tiến hành áp loại thuế tương tự đối với các ngân hàng.
Các chính phủ ở châu Âu đang chịu áp lực lớn trong việc hỗ trợ những người dân đang phải vật lộn với chi phí năng lượng và nhà ở tăng cao. Trong khi đó, các ngân hàng của họ chứng kiến lợi nhuận bội thu nhờ “ăn theo” chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương bằng cách tính mức lãi cho vay cao hơn.
Chính phủ Ý cho biết sẽ giới hạn tác động của thuế đối với từng ngân hàng sau khi chứng kiên cổ phiếu của các ngân hàng trong nước giảm mạnh hôm 8-8. Để trấn an thị trường, Bộ Tài chính Ý nói rằng thuế đánh vào lợi nhuận đột biến sẽ giới hạn ở mức không quá 0,1% tổng tài sản của một ngân hàng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm, các ngân hàng châu Âu đã phải hứng một loạt thuế, chủ yếu nhằm mục đích bù đắp chi phí cứu trợ, xây dựng các quỹ để giảm tác động của các vụ sụp đổ của ngân hàng trong trong tương lai hoặc khuyến khích các ngân hàng giảm rủi ro.
Nhưng các loại thuế gần đây hướng nhiều hơn đến việc củng cố kho bạc của chính phủ, đặc biệt là ở các nước có lãi suất chính sách tăng nhanh nhất như Hungary và Cộng hòa Czech, cũng như ở một số nước thuộc khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone).
Các chính phủ này muốn lấy một phần thu nhập tăng lên của ngành ngân hàng nhờ lãi suất cao hơn để hỗ trợ các hộ gia đình chống chọi cuộc khủng hoảng sinh hoạt.
Trong khi hầu hết các loại thuế gần đây chỉ mang tính chất tạm thời, giới phân tích cảnh báo, chúng có thể gây ra những hậu quả lâu dài hơn.
“Mặc dù các biện pháp như thuế đánh vào lợi nhuận đột biến rất dễ áp dụng, nhưng chúng có thể khó rút lại vì lý do chính trị”, Filippo Alloatti, người đứng đầu bộ phận tài chính của Công ty quản lý quỹ Federated Hermes, nói.
Các nhà phân tích cũng lưu ý chính sách thuế nhắm vào lợi nhuận đột biến có thể gây ra những tác động ngoài ý muốn.
Ban đầu, chíng phủ Ý đặt mục tiêu thu về khoảng 4,5 tỉ euro từ thuế mới đối với các ngân hàng. Con số này giảm xuống dưới 2 tỉ euro sau khi chính phủ Ý đưa ra giới hạn về mức trả thuế so với tổng tài sản của ngân hàng
Tuy nhiên, thông báo ban đầu về mức thuế 40% đã khiến cổ phiếu của các ngân hàng của Ý tổn thất hơn 10 tỉ euro vốn hóa do làn sóng bán tháo hôm 8-8.
Khi chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố thuế lợi nhuận đột biến đối với các ngân hàng vào mùa hè năm ngoái, cổ phiếu của một số ngân hàng lớn nhất của nước này giảm giá đến 10%.
Thuế mới của Tây Ban Nha thu 4,8% thu nhập tiền lãi và hoa hồng của các ngân hàng trong hai năm, nhằm huy động 3 tỉ euro để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do giá năng lượng tăng cao
Thuế mới đã làm hao hụt một phần lớn lợi nhuận trong quí đầu tiên của các ngân hàng ở Tây Ban Nha, đặc biệt là đối với ngân hàng tập trung vào thị trường nội địa.
CaixaBank, ngân hàng lớn nhất của Ban Nha, cho biết khoản thuế bất thường đã tiêu tốn 373 triệu euro, tương đương 44% trong số 855 triệu euro lợi nhuận ròng mà ngân hàng này thu được trong quí đầu tiên.
Các lãnh đạo ngân hàng ở Tây Ban Nha đã chỉ trích loại thuế này. Họ cho rằng ngân hàng của họ chỉ mới phục hồi về mức lợi nhuận bình thường hơn sau nhiều năm lãi suất thấp kỷ lục. Họ đã tiến hành khởi kiện chính phủ để yêu cầu gỡ bỏ thuế lợi nhuận đột biến.
Năm ngoái, Hungary áp đặt một loại thuế áp dụng trong hai năm nhằm tăng nguồn thuê thuế thêm 4,6 tỉ euro từ các lĩnh vực khác nhau. Hơn 25% của con số này sẽ đến từ các ngân hàng. Thuế mới nhắm vào doanh thu cuối cùng thay vì lợi nhuận, với mức thu 10% trên doanh thu ròng được tạo ra ở Hungary vào năm 2022. Mức thu này giảm xuống 8% vào năm 2023.
Cộng hòa Czech và Litva cũng đã nhắm mục tiêu vào các ngân hàng bằng loại thuế được thiết kế giống như mô hình thuế đánh vào lợi nhuận cao nhờ lãi suất tăng của Ý. Trong hai năm tới, các ngân hàng Czech sẽ phải chịu mức thuế 60% đối với phần lợi nhuận vượt quá 120% thu nhập trung bình hàng năm của họ trong giai đoạn 2018-2021.
Kết hợp với một loại thuế tương tự đối với các công ty năng lượng, chính phủ Czech hy vọng sẽ huy động được 3,5 tỉ euro mỗi năm, tương đương hơn 1% GDP.
Tại Litva, thuế đánh vào thu nhập lãi thuần (phần chênh lệch giữa lãi suất cho va và lãi suất trả cho người gửi tiền) của các ngân hàng, được ban hành hồi vào tháng 5. Theo đó, các ngân hàng phải đóng thuế 60% đối với phần thu nhập lãi ròng vượt quá 50% mức trung bình của bốn năm trước. Chính phủ Litva ước tính chính sách thuế này sẽ giúp ngân sách tăng thêm 410 triệu euro. Nguồn thu mới này sẽ được chi tiêu quốc phòng, quân sự và vận tải.
Cho đến nay, Anh vẫn chưa áp dụng thuế lợi nhuận đột biến đối với các ngân hàng dù Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã xem xét chính sách này hồi năm ngoái trong nỗ lực lấp đầy lỗ hổng tài chính trị giá 40 tỉ bảng Anh. Các ngân hàng ở Đức cũng đang chịu áp lực vì không tăng lãi suất tiết kiệm theo đà tăng mạnh của lãi suất chính thức.
Theo Financial Times