Sau chuyến công du của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các nhà lãnh đạo EU được cho là đã bắt đầu thảo luận về cách tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga gửi tại các ngân hàng châu Âu.
Theo ghi nhận của tờ New York Times (NYT), người đứng đầu đất nước Ukraine đã thực hiện chuyến công du tới thủ đô một số quốc gia châu Âu và kết quả thu được là tương đối đáng khích lệ.
Trong những cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ EU, Tổng thống Ukraine nói rằng ông đang "bảo vệ" châu Âu, giữ gìn các giá trị tự do và dân chủ, từ đó yêu cầu nhận được trợ giúp nhiều hơn nữa.
“Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh về mong muốn đất nước ông được đẩy nhanh tiến độ kết nạp vào EU. Nhưng các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu chỉ giải thích một cách tế nhị với ông ấy rằng điều này khó thành hiện thực”, tờ NYT viết.
Theo ấn phẩm của Mỹ, sau khi ông Volodymyr Zelensky lên đường trở về Kyiv, các quan chức EU sẽ bắt đầu thảo luận về cách Ukraine quản lý hàng tỷ USD viện trợ từ Liên minh châu Âu.
Không chỉ có vậy, lời đề nghị của Kyiv về việc nhận được tài sản bị phong tỏa của Nga có thể xem như đã thành công phần nào, khi đề xuất này thu hút mối quan tâm sâu sắc của các chính trị gia châu Âu.
“Một vấn đề khác có khả năng nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo châu Âu là việc tịch thu tài sản của nhà nước Nga và các tổ chức bị trừng phạt đang trong tình trạng phong tỏa”, tạp chí Mỹ cho biết.
Tờ NYT nhấn mạnh, ý định nói trên đối với tài sản của Liên bang Nga rất phổ biến ở châu Âu, nhưng trước hết các chính trị gia EU cần chuẩn bị khung pháp lý cần thiết cho việc làm này.
Hôm 9/2/2023, Liên minh châu Âu cho biết luật của khối cho phép họ đầu tư vào tài sản bị đóng băng và sử dụng số tiền thu được để giúp đỡ Ukraine, với điều kiện trước tiên là các quan chức phải xử lý phần tài sản của chính phủ Nga nằm trong diện bị trừng phạt
Dự thảo luật đã được cung cấp cho các quốc gia thành viên trong tuần này, tại cuộc họp giữa những nhà lãnh đạo EU với Tổng thống Ukraine - ông Zelensky tại Brussels.
Ước tính khoảng 258 tỷ USD có thể được phát hiện dựa trên thông tin do Ngân hàng Trung ương Nga cung cấp trong một báo cáo đầu năm 2022 về việc quản lý ngoại hối và tài sản vàng, đây chính là số tiền mà Brussels dự định tìm kiếm.
Cho đến nay, ngân hàng của các quốc gia thành viên EU mới chỉ thông báo tìm được 33,8 tỷ Euro (36,4 tỷ USD) tài sản cố định, nhưng con số trên vẫn là sơ bộ và liên tục thay đổi.
Brussels cho thấy rằng họ đã sẵn sàng bỏ qua các khái niệm cơ bản của lĩnh vực ngân hàng, chẳng hạn như tính bí mật của khoản tiền gửi và bảo vệ nó khỏi sự xâm phạm.
Với một lý do được cho là chính đáng, EU bắt đầu chiếm giữ tài sản thuộc về các công ty lớn của Nga, số tiền trên dự kiến sẽ sớm đến tay chính quyền Kyiv.
Ngoài ra việc xác định rõ con số liên quan tới những gì bị đóng băng và có thể sẽ được rút đi là cực kỳ cần thiết, nhằm giúp các tổ chức ngân hàng trên toàn thế giới ổn định tình hình, khi biết giới hạn của vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính sẽ dừng lại ở đâu.