Châu Âu đối mặt 'cơn bão' thuế quan từ Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy căng thẳng thương mại lên cao trào với việc đe dọa áp thuế toàn diện lên hàng hóa từ EU, tạo ra thách thức lớn đối với quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố gây chấn động khi đe dọa sẽ áp đặt thuế quan toàn diện lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Động thái này được xem là một phần trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, nhưng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cả hai bờ Đại Tây Dương.
Căng thẳng thương mại bắt nguồn từ cáo buộc của Tổng thống Trump về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại Mỹ-EU. Trong một tuyên bố trước báo giới tối 2/2, ông Trump cho rằng châu Âu đã phạm sai lầm lớn khi không mua thêm sản phẩm của Mỹ, dẫn đến thâm hụt hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đã lên tới 350 tỷ USD (dù theo ước tính chính thức của Chính phủ Mỹ, con số này chỉ nhỉnh hơn 131 tỷ USD vào năm 2022).
"Họ không lấy ô tô của chúng ta, họ không lấy sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, họ hầu như không lấy gì cả, trong khi chúng ta phải nhận mọi thứ từ họ", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, trước khi cảnh báo khối 27 quốc gia của EU "chắc chắn" sẽ phải đối mặt với thuế quan từ Mỹ.
![Quan hệ kinh tế Mỹ - EU có nguy cơ rạn nứt trước những đe dọa áp thuế từ Tổng thống Donald Trump. Hình minh họa: CANVA](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_11_51404627/12f91d74223acb64922b.jpg)
Quan hệ kinh tế Mỹ - EU có nguy cơ rạn nứt trước những đe dọa áp thuế từ Tổng thống Donald Trump. Hình minh họa: CANVA
Bức tranh phức tạp
Xét theo diễn biến những ngày qua, thì những tuyên bố trên không còn là lời đe dọa xuông. Tổng thống Trump đã thể hiện quan điểm bảo hộ mạnh mẽ khi áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, 10% đối với Trung Quốc. Dù Mexico và Canada đã nỗ lực để trì hoãn hiệu lực các khoản áp thuế quan lên đến 1 tháng, nhưng mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại toàn diện vẫn đang treo lơ lửng trên đầu, với châu Âu nhiều khả năng sẽ là mục tiêu tiếp theo của Washington.
Aurélien Saussay, trợ lý nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường, thừa nhận Mỹ phải chịu một mức thâm hụt khá lớn qua các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với châu Âu.
Các số liệu chính thức cho thấy bức tranh phức tạp hơn nhiều. Năm 2023, EU xuất khẩu sang Mỹ số hàng hóa trị giá 502 tỷ euro và nhập khẩu 344 tỷ euro, tạo ra thặng dư 158 tỷ euro cho khối trong thương mại hàng hóa. Ngược lại, EU chỉ thâm hụt 104 tỷ euro trong thương mại dịch vụ với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Saussay cho rằng điều này về cơ bản phản ánh sự khác biệt về chi phí sản xuất và chất lượng của các sản phẩm được cung cấp, cũng như tâm lý người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng các lựa chọn từ châu Âu hơn sản phẩm nội địa. Việc Tổng thống Trump mô tả cái gọi là “sự thiêu công bằng” trong cán cân thương mại Mỹ-EU về cơ bản là thiếu căn cứ.
“Cú đánh mạnh” vào châu Âu
Việc mở rộng thuế quan sang EU sẽ tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là ngành ô tô, máy móc, dược phẩm và hóa chất. Theo ước tính của Deutsche Bank, thuế quan 10% có thể làm giảm GDP của EU từ 0,5-0,9%, trong khi tăng trưởng GDP dự kiến của khối này chỉ đạt 1,5% năm 2025.
Trong đó, Đức sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. Các tập đoàn ô tô Đức như Volkswagen đã chịu tác động kép khi vừa bị ảnh hưởng bởi thuế quan với Mexico (nơi họ có nhiều nhà máy sản xuất) và có thể phải đối mặt với thuế quan trực tiếp từ Mỹ lên EU.
Chuyên gia Aurélien Saussay nhận định chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu của Đức khiến nước này trở nên dễ bị tổn thương trước những biện pháp bảo hộ mậu dịch ngặt nghèo được Tổng thống Trump đề xuất.
"Trường hợp của Đức thực sự rất đặc biệt, mô hình phát triển của nước này đã bị thử thách nghiêm trọng từ năm 2022", ông Saussay cho biết. "Toàn bộ nền kinh tế của họ lệ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng ít phụ thuộc vào nhập khẩu các công cụ máy móc mà Đức xuất khẩu để tập trung sản xuất những sản phẩm tương tự trong nước".
Cần đối thoại hay đối đầu?
EU đã chuẩn bị các biện pháp đáp trả, bao gồm danh sách các mặt hàng Mỹ có thể bị đánh thuế. Thậm chí, theo Robert Basedow - Phó giáo sư khoa Kinh tế chính trị quốc tế tại Viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London thuộc Viện Châu Âu, EU có thể áp dụng nhiều biện pháp phi thuế quan như điều tra hoạt động chống cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, sửa đổi luật thuế để thu nhiều lợi nhuận hơn từ các công ty đa quốc gia có trụ sở chính ở Mỹ.
Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc vào khả năng thống nhất lập trường giữa các thành viên EU. Không những vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên giải pháp đàm phán hơn đối đầu, thể hiện qua việc sẵn sàng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ như một biện pháp xoa dịu.
Sau cùng, người tiêu dùng bình dân ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại này nhiều nhất trước bối cảnh vật giá tăng cao. Bên cạnh đó, theo Uri Dadush - nghiên cứu viên không thường trú tại tổ chức tư vấn Bruegel của Châu Âu kiêm giáo sư nghiên cứu tại Trường Chính sách Công của Đại học Maryland (Mỹ), dù Washington đang “tự bắn vào chân mình”, thì các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào thương mại như Mexico, Canada, Đức, Hà Lan thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tình hình này đặt ra thách thức lớn cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương vốn được vun đắp suốt nhiều thập kỷ. Trong khi các biện pháp bảo hộ có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho một số ngành công nghiệp Mỹ, chúng có thể gây tổn hại lâu dài cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế thế giới.
Để giải quyết căng thẳng thương mại, Mỹ và EU cần thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm giải pháp cân bằng, đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Điều này đòi hỏi sự nhượng bộ từ cả Mỹ và EU, cũng như cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ đã được thiết lập.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-doi-mat-con-bao-thue-quan-tu-my.html