Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng nguồn cung LNG
Cuộc xung đột Hamas-Israel leo thang có thể làm gián đoạn thị trường khí đốt tại Trung Đông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu khi mùa Đông đến gần.
Theo phân tích của công ty Rystad Energy của Mỹ, cuộc xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang hoặc kéo dài sẽ có những tác động lớn đến thị trường khí đốt khu vực, dù Israel dư cung khí đốt và đang hỗ trợ nhu cầu đang gia tăng của Ai Cập và Jordan.
Ngoài ra, số phận của 3 dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Israel là Tamar, Leviathan và Karish cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường khu vực Trung Đông.
Căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông có thể gây rủi ro cho đầu tư khai thác khí đốt và cản trở các mục tiêu xuất khẩu trong bối cảnh hoạt động khai thác và thăm dò các nguồn có chi phí thấp gia tăng.
Dự án Leviathan chiếm 44% sản lượng khí đốt hiện nay của Israel, tiếp đến là Tamar và Karish với các mức tương ứng là 38% và 18%.
Dự án mỏ Tamar hiện đáp ứng hơn 70% nhu cầu khí đốt trong nước của Israel và là nguồn cung cấp chính cho sản xuất điện từ khí đốt. Khoảng 5-8% sản lượng khí đốt của dự án Tamar dành cho xuất khẩu.
Ai Cập nhập khẩu khoảng 7 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ mỏ Tamar và Leviathan để áp ứng nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho các nhà máy sản xuất LNG.
Theo ước tính của Rystad Energy, Ai Cập đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn LNG trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023. Trong đó, khối lượng lớn nhất là gần 1 triệu tấn được ghi nhận trong tháng 12/2022. Mức này gần bằng sản lượng trong thời gian đóng cửa 33 ngày của Tamar với tốc độ hiện nay.
Israel hiện chỉ cung gần 10% nhu cầu khí đốt của Ai Cập. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu LNG của Ai Cập giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu sử dụng trong nước tăng trong mùa Hè.
Rystad Energy cảnh báo rằng rủi ro lớn nhất đối với nguồn cung LNG của châu Âu là sự ổn định hoạt động xuất khẩu khí đốt của Ai Cập trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần.
Báo cáo mới nhất cho thấy thị trường khí đốt tại châu Âu hiện tại vẫn khả quan. Lượng dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm nay và tiêu thụ khí đốt vẫn dưới mức của năm 2022. Bên cạnh đó, xuất khẩu khí đốt của Mỹ có thể tăng.
Theo dữ liệu của Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE) công bố ngày 16/10, lượng khí đốt tự nhiên tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của EU đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt gần 98%, tương đương gần 108 tỷ m3. Con số này vượt kỷ lục được thiết lập vào tháng 10/2019.
Trong bối cảnh nhu cầu sưởi ấm tăng cao do mùa đông đang đến gần, EU đặt mục tiêu làm đầy 90% các bể chứa khí đốt trước ngày 1/11. Tuy nhiên, con số hiện nay đã ở mức 97,89% dù chưa hết tháng 10.
Hiệp hội điều hành khí đốt châu Âu cho biết, nguồn cung cấp LNG cho khu vực vẫn ở mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Theo phân tích của Rystad Energy, cuộc xung đột Hamas-Israel có thể có tác động hạn chế đến giá khí đốt trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, vẫn có rủi ro cuộc xung đột tiếp tục leo thang và lan rộng tại Trung Đông khiến giá khí đốt và giá dầu tăng mạnh trong thời gian tới.
Về nguồn cung, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tiếp tục vận chuyển khí đốt để đến Tây và Trung Âu qua trạm Sudzha, trạm bơm khí duy nhất còn lại ở Ukraine
Do tình hình chiến sự tại Ukraine, chính quyền Kiev đã tạm dừng hoạt động của trạm Sokhranovka, tuyến đường quan trọng khi trung chuyển khoảng 1/3 lượng khí đốt của Nga cung cấp cho EU, vào tháng 5/2022.
Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã giảm 80% nhập khẩu khí đốt của Nga. Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt, EU chấp nhận mua LNG giá cao từ Mỹ và Qatar, đồng thời tăng cường nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.
Trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, Moscow cung cấp khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm cho EU, chủ yếu thông qua đường ống.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-doi-mat-cuoc-khung-hoang-nguon-cung-lng.html