Châu Âu đối mặt với hàng loạt thách thức lớn trong năm 2025
Những thách thức chưa từng có và sự chia rẽ trong nội bộ EU đang đặt khối này trước ngã rẽ quan trọng vào năm 2025, khi phải đối mặt với các vấn đề từ kinh tế trì trệ, chính trị bất ổn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Bình luận với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Giles Merritt, người sáng lập nhóm nghiên cứu "Friends of Europe" và hiện đang là cộng tác viên cấp cao trong Chương trình các vấn đề châu Âu của Viện Egmont, cho rằng những "cơn gió đổi thay" đang thổi mạnh khắp thế giới, và các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels đang chia rẽ về việc liệu châu lục này có nên chuẩn bị cho một "đợt gió lạnh đặc biệt" hay vẫn có thể hy vọng vào những cơn gió nhẹ hơn.
Trong khi các nhà dự báo kinh tế tỏ ra thận trọng và khuyến nghị chuẩn bị cho những khó khăn phía trước, các nhà phân tích chính trị lại có cái nhìn lạc quan hơn. Sự phân hóa này thể hiện rõ giữa hai nhóm: một bên là các nhà ngoại giao và quan chức cấp cao tin tưởng vào khả năng điều hành của EU, bên kia là những nhà bình luận độc lập lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước lớn như Pháp và Đức.
Vai trò của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng đang là tâm điểm chú ý. Bà von der Leyen đã thể hiện sự khéo léo khi tập hợp nhân sự cho Ủy ban châu Âu mới mà không phải loại bỏ bất kỳ ứng cử viên nào trong các phiên điều trần xác nhận của Nghị viện châu Âu. Bà von der Leyen được đánh giá cao về khả năng xử lý đại dịch COVID-19 và ứng phó với các thách thức kinh tế, đồng thời thành công trong việc tập hợp sự ủng hộ cho Ukraine. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo của bà cũng gây ra những lo ngại về khả năng làm rạn nứt mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên.
Trước bối cảnh đó, 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức đối với EU, với nhiều yếu tố bất ổn từ cả bên trong và bên ngoài khối. Một trong những mối quan ngại lớn là "yếu tố Trump" và tác động tiềm tàng đối với các khoản đầu tư nghìn tỷ USD của Mỹ vào châu Âu. Bên cạnh đó, các lựa chọn để cứu vãn nền kinh tế trì trệ của EU đang ngày càng thu hẹp.
Theo đánh giá của Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - người từng cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" để xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012, EU đang phải đối mặt với một vòng luẩn quẩn của các vấn đề kinh tế: nhu cầu nội địa yếu, thiếu kích thích kinh tế vĩ mô, đầu tư suy giảm và năng suất thấp. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta, qua báo cáo chi tiết của mình, chỉ ra điểm yếu quan trọng của EU là thiếu vắng một thị trường vốn thống nhất, điều này cản trở sự phát triển của các đổi mới công nghệ cao.
Một thách thức đáng lo ngại khác là sự gia tăng của các đảng phái cánh hữu và hoài nghi về đồng euro trong Nghị viện châu Âu. Theo thống kê, khoảng 25% nghị sĩ được bầu vào tháng 6 năm nay thuộc nhóm này. Chính trường châu Âu đã được tái cấu trúc bởi các đảng phái chính trị cánh hữu, trong đó một số theo chủ nghĩa dân túy với chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa cấp tiến, số khác thuộc phe bảo thủ truyền thống nhưng không sẵn sàng trao thêm quyền lực cho EU. Đáng chú ý là sự nổi lên của các đảng như Tập hợp Quốc gia tại Pháp và đảng cực hữu Đức AfD (Alternative für Deutschland) tại Đức.
Tin tích cực là EU đang bước vào năm 2025 với nhận thức rõ ràng hơn về những điểm yếu cấu trúc của mình. Tuy nhiên, tin xấu là sức mạnh chính trị để đưa ra và thực hiện các giải pháp đang ngày càng suy yếu. Việc thiếu vắng sự dẫn dắt từ trục Phác-Đức, vốn đã từng giúp dự án hội nhập châu Âu vượt qua khó khăn vào những năm 1980, đang là một trở ngại lớn cho viễn cảnh phục hồi và thống nhất của khối.
Dù bức tranh tổng thể không mấy tươi sáng, nhiều nhà bình luận châu Âu vẫn tỏ ra lạc quan khi so sánh với tình hình tại Mỹ. Họ cho rằng những thách thức trong năm 2025 có thể là cơ hội để EU đoàn kết chặt chẽ hơn, như đã từng xảy ra trong lịch sử của khối này. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể cho thấy liệu EU có đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách này hay không.