Châu Âu đổi ý trong vấn đề Iran?
Đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Ả Rập Saudi, ủng hộ lời kêu gọi tái đàm phán về các vấn đề hạt nhân và an ninh Trung Đông của Mỹ là dấu hiệu châu Âu thay đổi quan điểm.
Vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Ả Rập Saudi hôm 14.9 đẩy căng thẳng ở Trung Đông leo thang đến mức nguy hiểm. Nhóm vũ trang Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định chính Iran đứng sau, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn để ngỏ khả năng phản ứng bằng hành động quân sự.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bác bỏ cáo buộc, Ngoại trưởng Javad Zarif cảnh báo nước này sẵn sàng cho cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ.
Diễn biến xấu nêu trên làm tan vỡ hy vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Iran gặp mặt nhân dịp cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhiều người đã mong đối thoại trực tiếp giúp làm giảm căng thẳng.
Tác động từ vụ tấn công cơ sở dầu mỏ không chỉ có vậy. Anh, Pháp, Đức - ba cường quốc châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận – hôm 23.9 bất ngờ ra tuyên bố chung ủng hộ lời buộc tội Iran.
Không những vậy tuyên bố chung còn nêu rõ: “Đã đến lúc Iran cần chấp nhận đàm phán một khuôn khổ dài hạn cho chương trình hạt nhân cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, gồm cả chương trình tên lửa và các phương tiện vận chuyển khác của họ”.
Giới phân tích nhận xét tuyên bố chung cho thấy châu Âu có thay đổi đáng kể trong chính sách Iran.
Theo giám đốc điều hành Giorgio Cafiero thuộc công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics:
“Sự thay đổi khiến triển vọng Liên minh châu Âu (EU) cho phép Iran tránh trừng phạt Mỹ thêm mờ mịt. Nhà Trắng sẽ xem đây là thành công từ chiến dịch gây sức ép tối đa mà họ đang thực hiện, còn Iran sẽ đánh giá châu Âu chẳng đủ sức để thoát Mỹ khi xử lý các vấn đề liên quan”.
Phản kháng tối đa
Nhằm phản ứng trước quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt của Mỹ, Iran thời gian qua lần lượt phá bỏ từng điều khoản trong thỏa thuận. Giới chức Tehran còn đe dọa bỏ thỏa thuận nếu châu Âu không có bước đi cụ thể giúp họ chống lại tác động từ trừng phạt Mỹ.
Anh, Pháp, Đức lẫn EU đều đang cố duy trì thỏa thuận. Tuy nhiên nỗ lực giảm thiểu sức ép kinh tế lên Iran của châu Âu chưa đạt kết quả.
Hôm 26.9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo Iran vừa phá bỏ thêm một điều khoản nữa: phát triển máy ly tâm tân tiến cho hoạt động làm giàu uranium. Động thái mới nhất khiến EU phải đưa ra lời cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân như Mỹ đã làm.
Học giả Patricia M Lewis thuộc viện nghiên cứu Chatham House cho rằng cách thức phản ứng phá bỏ từng điều khoản hạt nhân làm suy yếu nỗ lực cứu vãn của châu Âu.
“Chiến lược là thiết lập cơ chế bảo vệ cùng hỗ trợ tài chính, khuyến khích Mỹ ngồi lại với Iran và EU, chờ chính quyền Mỹ quyết định. Vậy mà Iran lại lựa chọn không tuân thủ thỏa thuận, đem lại cái cớ để Tổng thống Trump chứng minh những gì ông làm đều đúng đắn, buộc EU phải cứng rắn khuyên răn”, học giả Lewis phân tích.
Theo giới phân tích, giới chức Tehran không có ý định nhượng bộ bất chấp chia rẽ với châu Âu ngày càng lớn. Thay vào đó họ quyết giữ chính sách phản kháng tối đa và tiến tới khôi phục hoàn toàn năng lực hạt nhân.
Cẩm Bình (theo Aljazeera)