Châu Âu 'dọn dẹp' các khu thác loạn
Nhiều quốc gia tại châu Âu đang lên kế hoạch hướng du khách đến đa dạng địa điểm thay vì tập trung đông đúc ở một số khu vực giải trí hay phố đèn đỏ.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phố đèn đỏ Amsterdam - biểu tượng của tự do tình dục tại châu Âu - bỗng trở nên hoang vắng.
Các shipper có thể dễ dàng lướt qua những cửa hàng khét tiếng mà không cần phải chen chúc như trước đây, theo SCMP.
Thủ đô của Hà Lan được thành lập vào thế kỷ 12 từ một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel - Amsterdam. Nhiều thế kỷ trước, các điểm tham quan cũ kỹ, cổ kính là một trong những điều thu hút du khách.
Nhưng trong thời hiện đại, Amsterdam là một nơi tràn ngập tiếng ồn, rác thải và bạo lực.
Thành phố này đã tìm cách hạn chế hoạt động buôn bán, du lịch trước khi Covid-19 tấn công.
Các khoản phạt nặng với việc uống rượu nơi công cộng, hạn chế chặt chẽ về cho thuê ngắn hạn và cấm hoàn toàn một số cửa hàng được thực hiện. Nhưng nhiều khách du lịch vẫn tiếp tục đổ xô đến những nơi này.
Song vì các lệnh cấm do đại dịch, họ sẽ không tìm được những khu giải trí còn mở cửa. Số người đến các cơ sở thương mại đã giảm 25% kể từ khi virus SARS-CoV-2 lan rộng toàn cầu.
Cơ hội để chỉnh đốn du lịch
Ngay cả ở khu phố đèn đỏ, tình trạng người say xỉn không còn dù nhiều lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ. Người dân được dịp ngắm nhìn thành phố thân yêu của mình.
Với các nhà chức trách, đây là một dịp tốt để chỉnh đốn lại hình ảnh của Amsterdam - nơi hội tụ những giá trị lịch sử đất nước - thay vì nổi tiếng với khu đèn đỏ thác loạn.
Không chỉ xứ sở hoa tulip, quan chức địa phương ở các điểm nóng du lịch trên khắp châu Âu cũng có quan điểm tương tự.
Họ muốn tạo ra các chuyến tham quan ít gây ảnh hưởng cho người dân và tổ chức hoạt động kinh doanh lành mạnh hơn. Ngoài ra, nâng cao ý thức của khách du lịch cũng là điều mà họ chú tâm.
“Chúng tôi đã gặp các đại diện từ Amsterdam, Barcelona (Tây Ban Nha), Florence (Italy) và phát hiện rằng tất cả đều có chung suy nghĩ. Trước đây, du lịch quá tải đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Nhờ Covid-19, chúng tôi có cơ hội thực hiện một số thay đổi từ cách quảng bá đến tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng”, Hana Trestikova, ủy viên hội đồng du lịch tại Prague (Cộng hòa Czech), nói.
Khó khăn
Thế nhưng, điều này cần một chiến lược lâu dài. Cần sa và mại dâm hợp pháp từ lâu đã phổ biến rộng rãi ở Amsterdam. Tương tự, những bãi biển tại Barcelona hay các quán bia nổi tiếng của Praha vẫn ngày càng thu hút người đến.
Đại dịch cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của du lịch đối với sinh kế của những thành phố này. Khoảng 13% nền kinh tế của Barcelona và 11% việc làm ở Amsterdam phụ thuộc lượng du khách.
“Tôi đang suy nghĩ ‘Ai là khách du lịch mà chúng tôi muốn mời đến?’. Tôi muốn tiếp cận đến những người quan tâm đến văn hóa của Hà Lan, đánh giá cao những gì đất nước này có”, Lenia Marques, phó giáo sư tại Đại học Erasmus (Rotterdam, Hà Lan), chia sẻ.
Những năm gần đây, vấn đề du lịch của Praha bắt đầu giống với Amsterdam. Thủ đô của Cộng hòa Czech đón 8 triệu du khách mỗi năm, tăng gần gấp đôi từ năm 2012-2019.
Tương tự Amsterdam, phần lớn chỉ đến các khu vực lân cận. Trong trường hợp của Prague, du khách làm tắc nghẽn Quảng trường Phố cổ và cầu Charles.
“Trung tâm thành phố không còn là một khu dân cư nữa. Không có nhiều căn hộ, phần lớn do người nước ngoài ở hoặc chuyển sang làm khách sạn và cho thuê ngắn hạn. Chúng tôi cần tập trung vào những gì người dân cần và một thành phố không phải như phim trường”, Trestikova nói.
Trestikova cho biết các yếu tố lớn nhất đằng sau những chuyến tham quan kém chất lượng không nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền.
Là khu vực được ghé thăm nhiều nhất của Tây Ban Nha, Barcelona phải đối mặt với một thách thức đặc biệt khi chuyển đổi ngành du lịch.
Xavier Marce, ủy viên hội đồng ngành du lịch và sáng tạo, nhấn mạnh mặc dù tác động tiêu cực của thành phố này ít khắc nghiệt hơn so với Amsterdam hay Prague, việc phân tán sự tập trung của du khách vào các bãi biển cũng khá quan trọng.
“Khi tôi đến thăm New York, tôi quan tâm đến những gì người dân địa phương làm. Sẽ tốt hơn nếu có một mô hình du lịch liên kết với văn hóa hoặc khoa học, bởi vì nó có thể kết nối với người dân”, Marce nhận định.
Giải pháp
Để đạt được mục tiêu này, Barcelona đã thiết kế một mạng lưới các điểm dừng xe buýt để trải đều lượng du khách xung quanh thành phố. Đồng thời đóng băng một số dịch vụ cho thuê ngắn hạn nhằm ngăn chặn nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải.
Đối với các thành phố đang tìm cách thay đổi đối tượng mục tiêu, bất kỳ nỗ lực nào cũng cần chiến dịch quảng cáo. Amsterdam đã chi 160.000 euro để kích cầu du lịch.
“Chúng tôi đang tập trung vào những người quan tâm đến văn hóa và cố gắng thuyết phục họ đến thăm nhiều khu vực khác nhau”, Victor Everhardt, phó thị trưởng Amsterdam, nói.
Với Cộng hòa Czech, trong thời gian ngắn ngủi mở cửa trở lại vào mùa hè năm 2020, các nhà chức trách đã giới thiệu “Praha Unlocked”, một chiến dịch nhắm đến đối tượng khách nội địa và đã thành công.
Công nghệ cũng được tận dụng để chuyển hướng các luồng khách du lịch. Marques, thuộc Đại học Erasmus, cho biết Amsterdam đã làm việc với công ty viễn thông để kiểm tra số lượng người ở một số khu vực nhất định, sau đó họ có thể thực hiện các biện pháp để ngăn chặn ùn ứ.
Khi một khu vực trở nên quá đông đúc, du khách sẽ nhận được tin nhắn với lời đề nghị tham quan một điểm khác.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-don-dep-cac-khu-thac-loan-post1252532.html