Châu Âu dồn lực đối phó với đợt mưa lũ 'trăm năm có một'
Nhiều quốc gia châu Âu đã triển khai loạt biện pháp phòng chống tại các con sông lớn, trong bối cảnh hàng chục thị trấn và thành phố trên khắp Trung Âu bị nhấn chìm bởi trận lũ lụt tàn khốc khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Reuters ngày 17/9 đưa tin, các con sông vẫn tiếp tục tràn bờ ở Czech, trong khi mực nước sông Danube đang dâng cao ở Slovakia và Hungary, và một số khu vực ở Áo và Romania cũng bị ngập trong nước lũ.
Khu vực biên giới Czech - Ba Lan được nhận định là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi mưa lũ xuất hiện vào cuối tuần qua, với việc các con sông tràn bờ kéo theo nước lũ gây sập cầu và phá hủy nhà cửa.
Tại Romania, lũ lụt đã khiến 7 người thiệt mạng. Lũ lụt cũng cướp đi sinh mạng của 4 người ở Ba Lan, 5 người ở Áo và 3 người ở Czech. Cho đến nay, hàng chục nghìn hộ gia đình tại Czech và Ba Lan vẫn không có điện hoặc nước ngọt.
Trong đêm 16/9, các tình nguyện viên cùng nhân viên cứu hộ đã nỗ lực đắp lại bờ kè bị vỡ xung quanh Nysa - thành phố có hơn 40.000 người sinh sống ở phía Tây Nam Ba Lan. Ba Lan đã ban bố tình trạng thảm họa ở khu vực này và dành riêng 260 triệu USD để cứu trợ nạn nhân vùng lũ.
Tại nước láng giềng Czech, Thống đốc vùng Đông Bắc Moravia-Silesia Josef Belica cho biết 15.000 người đã được sơ tán. Đây là một trong hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt ở Czech. Trực thăng cũng đang được điều động chuyển hàng cứu trợ đến các khu vực bị cô lập bởi nước lũ.
Tại Hungary, các thị trấn lịch sử Visegrad và Szentendre ở phía Bắc Budapest đã xây dựng các đập di động để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ lũ lụt trên sông Danube. Hungary cho biết sẽ triển khai nhiều binh sĩ nhất có thể để hỗ trợ nỗ lực phòng chống lũ lụt, trong đó có 1.400 binh sĩ đã hỗ trợ trên bộ.
Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Morningstar DBRS ước tính, thiệt hại do lũ lụt trên khắp Trung Âu sẽ có thể lên đến hơn một tỷ euro ( tương đương 1,1 tỷ USD).