Châu Âu đứng trước nguy cơ mất một nguồn cung khí đốt từ Địa Trung Hải
Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ, nhà điều hành phát triển các mỏ khí Leviathan và Tamar (mỏ khí lớn nhất trên thềm lục địa thuộc Israel) đã quyết định tăng xuất khẩu sang Ai Cập.
Đối tác của Chevron là Delek Drilling (Israel) đã ủng hộ quyết định này. Leviathan được xem là một cơ sở tài nguyên cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu thông qua đường ống EastMed. Do đó, việc gia tăng nguồn cung khí đốt cho Ai Cập sẽ khiến châu Âu không có khí đốt của Israel. Ngoài ra, nếu không có nguồn cung từ Israel, trong tương lai gần, Hành lang khí đốt phía Nam sẽ không được đảm bảo hoạt động đầy tải.
Đường ống xuất khẩu khí đốt mới
Chevron sở hữu 39,7% cổ phần của mỏ Leviathan và 32,5% cổ phần mỏ Tamar, đồng thời là nhà điều hành của cả hai mỏ này. Delek Drilling sở hữu lần lượt 45,3% và 22% cổ phần của các mỏ trên. Hai đối tác đã quyết định đầu tư 235 triệu USD vào việc xây dựng đường ống xuất khẩu khí đốt để tăng nguồn cung sang Ai Cập.
Tuần trước, Delek Drilling thông báo rằng, hãng đã ký hợp động với Israel Natural Gas Lines (INGL) để xây dựng một đường ống xuất khẩu khí đốt mới và mở rộng hệ thống truyền dẫn khí hiện có ở ngoài khơi Israel. INGL sẽ đặt một đường ống dẫn khí đốt dưới nước giữa các thành phố Ashdod và Ashkelon của Israel để tăng nguồn cung cho Ai Cập từ mỏ Leviathan lên 7 tỷ m3/năm. 56% kinh phí dự án sẽ được cấp từ quỹ riêng của các thành viên liên doanh. Phần tín dụng còn lại sẽ được các ngân hàng cung cấp.
Vào cuối năm 2020, Chevron đã hoàn tất thương vụ mua lại Noble Energy trị giá 5 tỷ USD. Noble Energy vốn là cổ đông chính trong các dự án phát triển mỏ Leviathan và Tamar. Sau khi hoàn thành thương vụ, Chevron đã trở thành nhà điều hành tại cả hai mỏ, sau đó đã quyết định tăng xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập thêm 44 tỷ m3. Việc giao hàng sẽ bắt đầu từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023.
Khí đốt Israel cho người tiêu dùng Ai Cập
Xuất khẩu khí đốt từ các mỏ Leviathan sang Ai Cập bắt đầu vào tháng 01/2020. Theo đó, Noble Energy và Delek Drilling cam kết sẽ cung cấp 85 tỷ m3 đến Ai Cập trong vòng 15 năm.
Tiêu thụ khí đốt ở Ai Cập đã tăng nhanh trong 10 năm qua. Năm 2012, một năm sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập, quốc gia này đã từ nước xuất khẩu khí đốt trở thành nhà nhập khẩu. Đến năm 2015, tập đoàn Eni (Italia) đã phát hiện ra mỏ khí lớn Zohr trên thềm lục địa Ai Cập với trữ lượng ước tính khoản 850 tỷ m3. Khí đốt được sản xuất tại Zohr và nguồn cung từ Israel đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Ai Cập. Phần dư thừa dự kiến được xuất khẩu dưới dạng LNG. Vào cuối năm 2018, sau sáu năm gián đoạn, Ai Cập đã nối lại hoạt động xuất khẩu LNG. Nước này có hai nhà máy LNG với tổng công suất 12,2 triệu tấn/năm, song không có đủ nguồn lực để hoạt động 100% công suất thiết kế. Ai Cập dự định nhập khẩu khí đốt của Israel để đảm bảo tải cho các cơ sở hóa lỏng khí và tăng xuất khẩu LNG.
Ngoài Ai Cập, khí đốt từ Leviathan đã được xuất khẩu sang Jordan từ tháng 01/2020 theo hợp đồng cung cấp 45 tỷ m3 trong vòng 15 năm. Việc Israel ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Jordan đã gây ra sự phản kháng mạnh mẽ ở nước này. Quốc hội Jordan thậm chí còn thông qua dự luật cấm nhập khẩu khí đốt từ Israel. Tuy nhiên, Chính phủ đã bác bỏ và cho rằng nước này cần khí đốt nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, một hợp đồng cung cấp khí đốt đã được ký kết trước đó giữa các đối tác Israel với các công ty Jordan là Arab Potash và Jordan Bromine với khối lượng 1,8 tỷ m3/năm trong vòng 15 năm. Việc giao hàng bắt đầu từ năm 2017 từ mỏ Tamar. Hiện tại, nhu cầu khí đốt tại Israel ước tính đạt khoảng 12 tỷ m3/năm. Bộ Năng lượng Israel dự đoán rằng, nhu cầu sẽ tăng lên 15 tỷ m3/năm vào năm 2025 và tăng lên 18 tỷ m3/năm vào năm 2030. Theo báo cáo mới nhất từ Delek Drilling vào tháng 7/2020, trữ lượng đã được chứng minh và có khả năng thu hồi của mỏ Leviathan là 377 tỷ m3, 270 tỷ m3 khác được xếp vào loại tài nguyên có triển vọng.
Chevron chọn Trung Đông, không phải châu Âu
Mỏ Leviathan được coi là cơ sở tài nguyên cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống EastMed dài 1.900 km. Đường ống này chủ yếu chạy dọc theo đáy biển Địa Trung Hải, được cho là cung cấp năng lượng từ Đông Địa Trung Hải cho các quốc gia Nam Âu, qua các đảo Síp và Crete đến Hy lạp, sau đó qua đường ống dẫn khí Poseidon tới Italia hoặc thông qua hệ thống kết nối IGI giữa Hy Lạp và Bulgaria đến các nước châu Âu khác. Dự án ước tính trị giá từ 6-7 tỷ USD.
Đầu tháng 01/2020, lãnh đạo các nước Israel, Hy Lạp và Síp đã ký một thỏa thuận về việc xây dựng EastMed với công suất 10 tỷ m3/năm với triển vọng mở rộng lên 20 tỷ m3/năm. Vài tháng sau, chính phủ cả ba nước đã phê chuẩn triển khai dự án này. Vào tháng 12/2020, Mỹ chính thức hỗ trợ dự án EastMed vì nó giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn cung khí đốt từ Nga. Sau khi Chevron mua lại các tài sản của Noble Energy tại Israel, Mỹ thậm chí còn cân nhắc việc tham gia Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải với tư cách quan sát viên để hỗ trợ cho dự án EastMed.
Ban đầu, tính khả thi về kinh tế của dự án bị nghi ngờ do không có trữ lượng đã được chứng minh ở mỏ Leviathan, chi phí cao và khối lượng cung cấp cho thị trường châu Âu không đáng kể.
Vào cuối năm 2020, sau khi hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Adriatic (TAP), nguồn cung khí từ Azerbaijan bắt đầu thông qua Hàng lang khí đốt phía Nam (SGC), trở thành cửa ngõ dẫn tới châu Âu cho các nguồn cung khí không phải của Nga. Bây giờ, do nguồn tài nguyên hạn chế, Azerbaijan chỉ có thể đảm bảo không quá ⅓ công suất thiết kế của SGC. Trong trường hợp dự án EastMed được hoàn thành, khí đốt của Israel có thể đảm bảo toàn tải cho SGC.
Tuy nhiên, việc mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu để thúc đẩy cung cấp khí đốt của Israel cho Ai Cập sẽ chôn vùi dự án EastMed. Cơ sở tài nguyên của mỏ Leviathan không đủ để cung cấp đồng thời cho Trung Đông và châu Âu. Sau khi trở thành nhà điều hành hai mỏ khí đốt lớn nhất của Israel, Chevron đã lựa chọn thị trường Trung Đông, khiến châu Âu mất cơ hội tiếp cận nguồn khí đốt của Israel và SGC có nguy cơ bị bỏ dở mãi mãi.