Châu Âu họp khẩn về Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris vào ngày 17-2 nhằm thảo luận về an ninh khu vực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh Reuters.

"Do diễn biến nhanh của vấn đề Ukraine và những tuyên bố từ phía Mỹ, châu Âu cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn và theo cách thống nhất cho an ninh chung của chúng ta", cố vấn Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ngày 16-2. Cuộc họp khẩn tại Paris ngày 17-2 có sự tham dự của các lãnh đạo Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Hội nghị thượng đỉnh tại Paris diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về khả năng khởi động đàm phán hòa bình liên quan đến cuộc xung đột kéo dài đã 3 năm tại Ukraine. Phía Mỹ đã đề xuất tổ chức một cuộc họp trực tiếp tại Saudi Arabia, nhưng Liên minh châu Âu (EU) không được mời tham gia. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đã tuyên bố rằng châu Âu sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine.

Ông Keith Kellogg tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine, trong đó Moscow và Kiev là hai bên tham gia chính. Những phát biểu trên của ông Kellogg cũng như những tuyên bố của hàng loạt lãnh đạo của Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump đã làm dấy lên lo ngại châu Âu bị loại khỏi thỏa thuận hòa bình có ảnh hưởng đến an ninh của châu lục, đặc biệt nếu các điều khoản quá có lợi cho Nga.

Kiev cũng được cho là không được mời tham dự cuộc họp trên và thậm chí còn bất ngờ trước thông báo về cuộc họp tại Saudi Arabia. Điều này đang gây lo ngại rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột gần 3 năm qua giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra mà không có sự tham gia của chính bên trong cuộc là Ukraine.

Trước tình hình đó, nhiều lãnh đạo châu Âu cũng đã tuyên bố thể hiện việc không chấp nhận bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán hiện nay về vấn đề Ukraine. Ngày 16-2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng EU cần một đặc phái viên tới các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine. Ông Stubb tuyên bố, một đặc phái viên từ EU sẽ giúp tập trung các nỗ lực của châu Âu và trao cho khu vực tiếng nói trong các cuộc đàm phán như vậy. Trong trả lời phỏng vấn với phóng viên tại Munich, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cũng đã nói: "Họ không thể thảo luận hoặc đàm phán về Ukraine, tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu. Chúng ta cần phải chỉnh đốn bản thân, nói ít hơn và làm nhiều hơn".

Theo Reuters, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã bày tỏ quan điểm tương tự như ông Stubb khi nói rằng châu Âu cần một đại diện mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán. "Những gì chúng ta thiếu ở Ukraine trong những năm gần đây là một nhân vật được mọi người hết sức kính trọng, được Moscow, Kiev coi trọng và có được sự ủng hộ từ Washington, các thủ đô châu Âu và các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Nam bán cầu, có thể có thẩm quyền điều hành các cuộc đàm phán hòa bình", ông Andrej Plenkovic cho biết.

TASS đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố EU phải tham gia các cuộc đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine và không cho phép ai đồng ý với việc phi quân sự hóa Ukraine. Ông Scholz đã bác bỏ khả năng có các thỏa thuận riêng giữa Mỹ và Nga về Ukraine khi nêu rõ: "Chúng tôi, những người châu Âu, sẽ không cho phép điều đó. Chúng tôi cũng sẽ không cho phép bất kỳ ai đồng ý với việc phi quân sự hóa Ukraine”. Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ rằng châu Âu sẽ không có mặt trực tiếp tại bàn đàm phán để giải quyết cuộc xung đột này, ông Scholz quả quyết: "Điều đó không thể thực hiện được nếu không có chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi có cái để nói", nhấn mạnh rằng người châu Âu có quyền bỏ phiếu và việc bảo đảm an ninh mà không có sự tham gia của châu Âu sẽ không thực hiện được.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Antonio Costa, nhấn mạnh Liên minh châu Âu EU cần tham gia đàm phán với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và xây dựng một cấu trúc an ninh mới. Ông Costa cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thúc đẩy châu Âu đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh khu vực, thì EU cần đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình cấu trúc an ninh tương lai.

Tổng thống Ukraine bất ngờ tới thăm UAE

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào đêm 16-2 theo giờ địa phương, khi động lực thúc đẩy các cuộc hòa đàm tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột với Moscow ngày càng tăng. Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc UAE có thể trở thành địa điểm tổ chức hòa đàm giữa Ukraine và Nga.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chau-au-hop-khan-ve-ukraine-post308826.html