Mỹ kêu gọi Liên hợp quốc ủng hộ nghị quyết của mình về Ukraine
Trái ngược với đề xuất trước đó của Ukraine-châu Âu, dự thảo nghị quyết chỉ có 65 từ của Mỹ không chỉ trích Moskva. Thay vào đó, văn bản này chỉ kêu gọi 'nhanh chóng chấm dứt xung đột.'

Toàn cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Nguồn: IRNA/TTXVN)
Ngày 21/2, Mỹ kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc ủng hộ nghị quyết "đơn giản, mang tính lịch sử" của mình về cuộc xung đột tại Ukraine, sau khi từ chối đồng bảo trợ cho dự thảo nghị quyết khác của Liên hợp quốc về việc này.
Trái ngược với đề xuất trước đó của Ukraine-châu Âu, dự thảo nghị quyết chỉ có 65 từ của Mỹ không chỉ trích Moskva. Thay vào đó, văn bản này chỉ kêu gọi "nhanh chóng chấm dứt xung đột."
Dự thảo của Mỹ chia sẻ sự mất mát về sinh mạng trong cuộc xung đột này và nhắc lại rằng mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh đây là "một nghị quyết đơn giản, mang tính lịch sử," đồng thời hối thúc các quốc gia thành viên Liên hợp quốc "ủng hộ để vạch ra con đường hướng tới hòa bình."
Trong phản ứng của mình, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia hoan nghênh dự thảo của Mỹ là "động thái tốt," song nhấn mạnh rằng văn kiện này không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột.
Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cần "gặp nhau" để chấm dứt xung đột.
Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ có mặt tại Nhà Trắng vào tuần tới để thảo luận với ông Trump về an ninh.
Các nhà lãnh đạo tại châu Âu đang phải ráo riết phối hợp hành động sau khi chính quyền của Tổng thống Trump tiến hành các bước đi riêng với Nga trong việc tăng cường quan hệ song phương và giải quyết xung đột tại Ukraine.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại sẽ bị "gạt ra ngoài lề" trong tiến trình hòa đàm về xung đột tại Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả đàm phán nào nếu không có sự tham gia và/hoặc chấp nhận của châu Âu cũng như Ukraine./.