Châu Âu hứng chịu đợt sóng nhiệt gay gắt nhất từ trước đến nay

Biến đổi khí hậu khiến Châu Âu hứng chịu một trong những đợt sóng nhiệt gay gắt nhất từ trước đến nay. Tại Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử, giới chức nước này ban hành cảnh báo nhiệt độ trên phần lớn lãnh thổ đất liền.

 Bản đồ nhiệt ở Châu Âu ghi nhận mức nhiệt lên tới 47°C. (Ảnh: Ventusky.com)

Bản đồ nhiệt ở Châu Âu ghi nhận mức nhiệt lên tới 47°C. (Ảnh: Ventusky.com)

Theo tờ Politico ngày 1/7, khu vực Sevilla (Tây Ban Nha) vừa ghi nhận mức nhiệt lên tới 47°C - mức kỷ lục mới cho tháng 6. Nhiệt độ cao bất thường cũng bao trùm Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và khu vực Balkan, kèm theo nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Cảnh báo nhiệt độ cao đang được ban bố với số lượng kỷ lục trên khắp nước Pháp. 16 vùng ở Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ, 68 vùng khác đang trong tình trạng báo động cam. Báo động đỏ là mức cao nhất tại Pháp. Bộ trưởng Khí hậu Pháp Agnes Pannier-Runacher gọi đây là tình huống chưa từng có. Khoảng 200 trường học của nước này đã phải đóng cửa hoàn toàn hoặc đóng cửa một phần do nắng nóng.

Nắng nóng thiêu đốt Châu Âu, Pháp ra cảnh báo chưa từng có. (Video: BBC)

Tại nhiều quốc gia ở châu Âu, các nhân viên y tế đang trong trạng thái sẵn sàng cấp cứu, trong khi nhà chức trách khuyến cáo người dân nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Nắng nóng thiêu đốt đã kéo dài hơn một tuần ở nhiều nơi khắp châu lục.

WHO nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, cường độ lớn hơn và nguy hiểm hơn. Dữ liệu WHO cho thấy, trung bình sóng nhiệt đã cướp đi khoảng 175.000 sinh mạng mỗi năm trên toàn khu vực châu Âu - kéo dài từ Iceland đến Nga.

Giờ đây, câu hỏi không còn là "có xảy ra sóng nhiệt hay không", mà là "sẽ có bao nhiêu đợt mỗi năm và chúng sẽ kéo dài ra sao" - Bà Marisol Yglesias Gonzalez, chuyên gia về khí hậu và sức khỏe của WHO tại Bonn, nhận định.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát đi cảnh báo khẩn, nhấn mạnh hàng chục nghìn ca tử vong do nắng nóng là hoàn toàn có thể phòng tránh nếu các quốc gia thực hiện nghiêm túc các biện pháp thích ứng.

Từ góc độ chuyên gia khí tượng, WHO khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như uống đủ nước, tránh ra ngoài vào giờ nắng gắt, giữ nhà cửa luôn thoáng mát. Các nhóm dễ bị tổn thương - gồm người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, lao động ngoài trời và người mắc bệnh mạn tính - cần đặc biệt chú ý. Chuyên gia y tế cũng lưu ý, một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc hạ huyết áp có thể làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt.

Nắng nóng cực đoan còn làm gia tăng rủi ro cháy rừng. Chính phủ Hy Lạp đã phát cảnh báo ô nhiễm không khí do cháy rừng lan rộng gần Athens. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50.000 người phải sơ tán do đám cháy lớn gần thành phố Izmir. Albania ghi nhận 26 vụ cháy chỉ trong hai ngày, còn Serbia vừa trải qua ngày nóng nhất kể từ thế kỷ 19. Chính quyền ở một số quốc gia đã phải ban hành cảnh báo sức khỏe và huy động lính cứu hỏa để ngăn chặn cháy rừng bùng phát.

 Cháy rừng trên đảo Chios ở Hy Lạp vào cuối tháng 6/2025. (Ảnh: EPA)

Cháy rừng trên đảo Chios ở Hy Lạp vào cuối tháng 6/2025. (Ảnh: EPA)

WHO cho biết, trong năm 2026 sẽ ban hành hướng dẫn mới cho các chính phủ, trong đó khuyến nghị các giải pháp làm mát bền vững, tập trung vào yếu tố con người và áp dụng ở cấp thành phố, nhằm bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ nhiệt độ cực đoan trở thành thực tế thường trực. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nếu không giảm mạnh lượng khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thế giới sẽ chứng kiến các đợt sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn trong tương lai.

TRẦN THÚY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chau-au-hung-chiu-dot-song-nhiet-gay-gat-nhat-tu-truoc-den-nay-post330529.html