Mỹ, châu Âu nắng nóng nguy hiểm do hiện tượng 'vòm nhiệt'

Hàng chục triệu người đở Mỹ và châu Âuang phải đương đầu với nắng nóng ở cấp độ nguy hiểm. Những đợt sóng nhiệt được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học lý giải, hiện tượng thời tiết cực đoan được gọi là 'vòm nhiệt' góp phần đáng kể vào đợt nắng nóng hiện tại.

Bà Kirsty McCabe, nhà khí tượng học tại Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia, mô tả đợt nắng nóng hiện tại là do "vòm nhiệt"- một hiện tượng thời tiết xảy ra khi một hệ thống áp suất cao khiến hơi nóng bị giữ lại.

“Vòm nhiệt có thể tưởng tượng gần giống như một cái nắp nồi và nó đang giữ chặt luồng không khí nóng bên dưới. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiệt độ cực cao và tình trạng khô hạn ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp. Ngoài ra, một số khu vực của Hungary cũng có nhiệt độ cực cao và tình trạng hạn hán. Vì vậy, nó không chỉ ảnh hưởng đến một khu vực; mà là một khu vực khá rộng lớn của châu Âu đang phải vật lộn với nhiệt độ rất cao tại thời điểm này. Nếu bạn xem xét nhiệt độ trước đó trong nhiều thập kỷ, chúng ta có thể thấy rằng nhiệt độ hiện tại có khả năng cao gấp ba đến năm lần so với khi không có tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Vì vậy, chúng ta đang thấy mức nhiệt cao hơn này là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu”, bà Kirsty McCabe giải thích.

Một người đàn ông đang giải nhiệt tại đài phun nước ở Turin, Italy. Ảnh: EPA

Một người đàn ông đang giải nhiệt tại đài phun nước ở Turin, Italy. Ảnh: EPA

Tại Pháp, Cơ quan khí tượng Meteo France đặt 88% khu vực hành chính dưới cảnh báo nhiệt màu cam- cấp độ nắng nóng nghiêm trọng thứ hai.

Bà Chenard, Giám đốc viện dưỡng lão Anais Meunier, ở miền Nam nước Pháp cho biết: “Chúng tôi đã có cảnh báo màu cam kể từ cuối tuần qua, nghĩa là chúng tôi đã hủy mọi hoạt động ngoài trời vào ban ngày, chúng tôi yêu cầu mọi người tránh ra ngoài từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tránh ở những nơi quá nóng và sau đó, tất cả các khu vực chung trong tòa nhà đều có máy lạnh để chúng tôi đảm bảo rằng tất cả người cao tuổi ở đây đều dành ít nhất ba giờ trong ngày ở khu vực có máy lạh”.

Tây Ban Nha vừa trải qua tháng 6 nóng nhất lịch sử. Trong khi, Italia đặt 21 thành phố - trong đó có Rome, Milan, Naples và Venice - vào tình trạng cảnh báo đỏ, một số vùng ra lệnh cấm lao động ngoài trời vào giờ cao điểm nắng nóng. Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết nhiệt độ bề mặt toàn cầu vào tháng trước trung bình cao hơn 1.4°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cơ quan này dẫn chứng khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cảnh báo về khả năng ngày càng tăng của những ngày nắng nóng như thiêu đốt ở châu Âu.

Trong khi đó, nhiệt độ đã vượt quá mức 40 độ C ở một số khu vực của Mỹ khi hiện tượng “vòm nhiệt” xuất hiện ở các tiểu bang miền Đông và miền Trung nước này. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết vào giữa tuần vừa rồi rằng mức nhiệt cực kỳ nguy hiểm sẽ tiếp tục duy trì trên khắp vùng Midwest và Bờ Đông trước khi giảm bớt vào cuối tuần. Giáo sư khoa học Trái Đất và môi trường Michael Mann tại Đại học Pennsylvania cảnh báo, “vòm nhiệt kép” xảy ra ở cả châu Âu và Bắc Mỹ có khả năng “sẽ trở thành một hiện tượng phổ biến hơn khi con người tiếp tục làm Trái Đất nóng lên”.

Theo lý giải của các chuyên gia, ở hiện tượng vòm nhiệt xảy ra ở Mỹ và châu Âu, không khí nóng từ Thái Bình Dương bị mắc kẹt trong luồng phản lực, tạo thành vòng lặp gọi là “khối omega”. Từ dưới mặt đất, không khí ấm bốc lên không trung, nhưng áp suất cao của “khối omega” đã tạo thành một mái vòm ngăn không cho không khí ấm thoát ra.

Áp suất cao này đẩy không khí ấm trở lại mặt đất. Do bị nén lại, khối khí ấm càng giải phóng nhiều nhiệt hơn. Nhiệt độ tăng khiến mặt đất mất độ ẩm, khiến nhiệt độ càng nóng lên hơn nữa và làm tăng khả năng xảy ra cháy rừng. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm qua (30/6) cảnh báo, nắng nóng cực đoan ở châu Âu không còn là hiện tượng lạ, mà đã trở thành "bình thường mới".

Hậu quả của biến đổi khí hậu đang hiện hữu rõ ràng. Theo nghiên cứu từ tạp chí khoa học Lancet Public Health, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3°C, châu Âu có thể ghi nhận tới 129.000 ca tử vong mỗi năm do nắng nóng.

Dữ liệu WHO cho thấy, trung bình sóng nhiệt đã cướp đi khoảng 175.000 sinh mạng mỗi năm trên toàn khu vực châu Âu. WHO nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, cường độ lớn hơn và nguy hiểm hơn.

Khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, WHO cho biết, trong năm 2026 sẽ ban hành hướng dẫn mới cho các chính phủ, trong đó khuyến nghị các giải pháp làm mát bền vững, tập trung vào yếu tố con người và áp dụng ở cấp thành phố, nhằm bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ nhiệt độ cực đoan trở thành thực tế thường trực.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-chau-au-nang-nong-nguy-hiem-do-hien-tuong-vom-nhiet-post1211612.vov