Châu Âu chìm trong nắng nóng kỷ lục

Châu Âu đang gồng mình chống chọi với một trong những đợt nắng nóng đầu mùa hè dữ dội nhất trong lịch sử, khi có quốc gia phải vật lộn với nhiệt độ vượt 40 độ C, cháy rừng lan rộng, hàng nghìn người sơ tán và hệ thống y tế căng mình trước nguy cơ sốc nhiệt hàng loạt, khiến nỗi lo về hậu quả biến đổi khí hậu một lần nữa trở thành vấn đề 'nóng' với không chỉ cựu lục địa

Quay cuồng trong nắng nóng

Châu Âu bước vào mùa hè 2025 bằng một loạt đợt sóng nhiệt dữ dội tấn công các quốc gia khu vực Nam và Tây Nam lục địa này, nhiều nơi phải ban bố cảnh báo đỏ. Nhiệt độ đo được tại khu vực Huelva (Tây Ban Nha) lên đến 46 độ C, mức cao kỷ lục trong tháng 6. Nhiệt độ tại nhiều nơi khác như Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng vượt ngưỡng 42 độ C, khiến chính quyền các nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Người dân châu Âu tìm mọi cách giải nhiệt trong nắng nóng kỷ lục

Người dân châu Âu tìm mọi cách giải nhiệt trong nắng nóng kỷ lục

Tại Bồ Đào Nha, thị trấn Mora ghi nhận mức nhiệt 46,6 độ C, mức cao nhất trong lịch sử nước này cho tháng 6. Tại 18 khu vực phải ban bố cảnh báo đỏ, cấp độ cảnh báo cao nhất ở nước này. Italia cũng đặt 21/27 thành phố lớn vào tình trạng cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng, trong đó có các trung tâm kinh tế, du lịch quan trọng như Rome, Milan, Venice. Tại Pháp, giới chức đã lần đầu tiên trong lịch sử nước này ban hành cảnh báo nhiệt độ trên gần như toàn bộ lãnh thổ đất liền. Cơ quan khí tượng Meteo France đặt 88% khu vực hành chính dưới cảnh báo nhiệt màu cam, cấp độ nắng nóng nghiêm trọng thứ hai.

Không khí khô, gió mạnh và nền nhiệt cực cao đã tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng bùng phát. Chỉ trong ngày 29-6, hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ phải sơ tán do các đám cháy lớn gần Izmir. Tại Hy Lạp, cháy rừng lan tới tận vùng ngoại ô Thủ đô Athens. Pháp ghi nhận hàng chục đám cháy lớn ở vùng Corbieres khiến hàng trăm người sơ tán. Albania có tới 26 vụ cháy rừng chỉ trong hai ngày, còn Serbia trải qua ngày nóng nhất kể từ thế kỷ 19.

Không chỉ miền Nam, các quốc gia Trung và Bắc Âu cũng chịu ảnh hưởng. Ở Đức, chính phủ cảnh báo cháy rừng lan rộng tại các khu rừng quanh Berlin, trong khi Anh dự kiến ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong năm ở London, lên đến 34 độ C, một mức nhiệt cao đối với đảo quốc là xứ sở sương mù này.

Nắng nóng cực đoan đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe người dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát cảnh báo khẩn, nhấn mạnh hàng chục nghìn ca tử vong vì sốc nhiệt có thể xảy ra trong thời gian ngắn nếu các biện pháp thích ứng không được triển khai hiệu quả.

Theo ông Pierre Masselot, chuyên gia thống kê tại trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, riêng từ ngày 30-6 đến 2-7, làn sóng nhiệt hiện tại có thể khiến hơn 4.500 người thiệt mạng vượt mức trung bình, đặc biệt nghiêm trọng ở Italia, Croatia, Slovenia và Luxembourg. Một nghiên cứu khác cho biết, trung bình mỗi năm, sóng nhiệt cướp đi sinh mạng của khoảng 175.000 người trên toàn châu Âu, từ Iceland đến Nga.

Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền và người lao động ngoài trời. Ngoài nguy cơ tử vong, nắng nóng còn làm tăng số ca cấp cứu do kiệt sức, đột quỵ nhiệt, mất nước, và biến chứng tim mạch.

Không chỉ con người, các hệ sinh thái tự nhiên ở châu Âu cũng chịu thiệt hại nặng nề do nắng nóng chưa từng thấy. Tại Pháp, Tổ chức Bảo vệ Chim (LPO) cho biết, 7 trung tâm cứu hộ chim rừng đã quá tải do số lượng chim bị kiệt sức hoặc chết vì nhiệt độ cao. Ở Italia, các chuyên gia môi trường cảnh báo, về sự xuất hiện của các loài cá độc như cá sư tử, cá chân gai ở vùng biển miền Nam - dấu hiệu rõ ràng cho thấy Địa Trung Hải đang ấm lên nhanh chóng.

Giá đắt phải trả nếu không hành động ngay lúc này

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nắng nóng khắc nghiệt hiện nay là hậu quả của việc Trái đất nóng lên do phát thải khí nhà kính xuất phát chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, khí đốt, than đá. Các mô hình khí hậu cho thấy, Trái đất hiện đã nóng lên khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Riêng châu Âu đã nóng tới hơn 2 độ C, mức cao nhất trong các châu lục.

Hiện tượng “vòm nhiệt”, tức khối không khí nóng bị giữ lại bởi áp suất cao, là biểu hiện rõ ràng của khí hậu Trái đất đang biến đổi. Khi xảy ra hiện tượng này, các khối khí nóng không thể thoát ra ngoài, tạo ra điều kiện lý tưởng cho các đợt nắng nóng kéo dài và gia tăng mức độ nguy hiểm. Nếu chúng ta không hành động ngay, các đợt nắng nóng như vậy sẽ không còn là hiện tượng hiếm gặp, mà sẽ trở thành “bình thường mới”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo: Nắng nóng cực đoan không còn là điều bất thường. Chúng đang trở thành hiện thực thường xuyên và tàn khốc, đặc biệt ở các khu vực như châu Âu, nơi chưa từng được thiết kế để chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Trước thảm họa khí hậu đang đến ngày một gần, các quốc gia châu Âu cũng như thế giới không thể tiếp tục chần chừ. Theo các chuyên gia, giải pháp ứng phó cần được thực hiện trên cả hai phương diện: trước mắt và lâu dài. Trước mắt để cấp bách ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do nóng nắng kỷ lục gây ra; lâu dài để giải quyết nguyên nhân sâu xa.

Theo đó, trước mắt cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng các biện pháp như: Thiết lập các trung tâm làm mát công cộng, đặc biệt tại đô thị lớn; Ban hành lệnh cấm lao động ngoài trời trong thời điểm nắng cao điểm; Cung cấp nước uống miễn phí tại các khu dân cư, bến tàu, điểm du lịch; Thông tin cảnh báo sớm về nhiệt độ, chất lượng không khí và nguy cơ cháy rừng.

Về lâu dài, châu Âu cần hành động mạnh mẽ trên 3 trụ cột. Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và sinh khối. Thứ hai, thích ứng khí hậu đô thị bằng cách quy hoạch lại hạ tầng, tăng diện tích cây xanh, xây dựng các khu đô thị chống nóng bằng vật liệu thân thiện môi trường. Cuối cùng là tăng đầu tư cho hệ thống y tế và môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cấp trang thiết bị, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị phù hợp với bối cảnh khí hậu mới.

Châu Âu - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - hiện đang đi đầu trong các cam kết và hành động vì môi trường. Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU Green Deal - EGD) đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, với nhiều gói đầu tư hàng trăm tỷ euro cho năng lượng sạch, giao thông xanh và chuyển đổi số bền vững. Tuy nhiên, các mục tiêu này cần được hiện thực hóa nhanh hơn, quyết liệt hơn, nhất là khi thời gian để ngăn chặn thảm họa khí hậu đang rút ngắn từng ngày.

Đợt nắng nóng lịch sử tại châu Âu năm 2025 là sự cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu không còn là chuyện của tương lai xa, mà đang xảy ra ngay trước mắt. Nếu không hành động ngay - từ từng cá nhân đến chính phủ, từ doanh nghiệp đến tổ chức quốc tế - thì những đợt nắng nóng như hiện nay sẽ không còn là bất thường mà sẽ trở thành “bình thường mới”. Cái giá phải trả sẽ là tính mạng con người, sự sống cùng môi trường sống trên hành tinh và tương lai của các thế hệ sau.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-chim-trong-nang-nong-ky-luc-post616327.antd