Châu Âu khó hạ nhiệt giá năng lượng
Một số hiệp hội ngành công nghiệp tại châu Âu có chung quan điểm rằng, các đề xuất mới đây của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm hạ nhiệt giá năng lượng, giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua khủng hoảng, chưa đủ mạnh.
Ngày 14-9-2022, EC cho biết sẽ đề xuất giới hạn doanh thu đối với các công ty sản xuất điện có chi phí thấp và kế hoạch áp thuế từ lợi nhuận bất thường của các công ty nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực huy động 140 tỉ euro để giảm bớt gánh nặng khủng hoảng năng lượng cho người dân và nền kinh tế châu Âu.
Trong những phát biểu của mình, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách cải cách thị trường điện để giảm bớt ảnh hưởng chi phối của khí đốt đối với giá điện.
Phản ứng trước kế hoạch năng lượng khẩn cấp của EC, European Aluminium - Hiệp hội ngành nhôm ở châu Âu - cho rằng, các biện pháp giải quyết khủng hoảng được đề xuất là hoàn toàn cần thiết nhưng chưa đủ mạnh để giúp ngành nhôm sống sót qua mùa đông năm nay.
“Những biện pháp đó là không đủ mạnh và sẽ không cứu được ngành công nghiệp nhôm sử dụng nhiều năng lượng khỏi bị cắt giảm sản lượng, mất việc làm và có thể bao gồm cả kịch bản sụp đổ hoàn toàn” - European Aluminium đánh giá.
Giá năng lượng tăng cao đã thúc đẩy làn sóng cắt giảm công suất nhôm trên khắp châu Âu, trong bối cảnh các nhà máy luyện kim quay cuồng với giá điện và giá khí đốt cao ngất ngưởng trong khi nhu cầu vẫn yếu do lo ngại về các chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút.
Ngành công nghiệp kim loại châu Âu đã kêu gọi EC hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự sụp đổ của lĩnh vực đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ giá điện và khí đốt không ngừng tăng cao.
Hiệp hội Phân bón (Fertilizers Europe) cho biết vào tuần trước trong một bức thư gửi Chủ tịch EC: Ngành công nghiệp phân bón tại châu Âu cũng đang chịu ảnh hưởng từ giá khí đốt tự nhiên cao gấp 15 lần so với mức trước khủng hoảng, gấp 10 lần so với giá khí đốt của Mỹ và cao hơn giá ở châu Á.
“Nhìn vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, hiện tại không có trường hợp kinh doanh nào đủ tốt để tiếp tục sản xuất ở châu Âu và sự không chắc chắn đối với các khoản đầu tư và phát triển tiếp theo. Ảnh hưởng của việc đóng cửa cũng bắt đầu có tác động nghiêm trọng đến chuỗi giá trị của chúng tôi, gây nguy hiểm cho nền công nghiệp châu Âu và nguồn hàng của các sản phẩm thiết yếu một cách rộng rãi hơn” - Fertilizers Europe phản hồi trước các đề xuất của EC.
Sau những đề xuất, Jacob Hansen - Tổng giám đốc Fertilizers Europe - khẳng định: “Chúng tôi cần một nguồn cung cấp khí đốt có giá cạnh tranh cho các nhà sản xuất phân bón châu Âu để khởi động lại sản xuất”.
Được biết, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 30-9-2022 để thảo luận về kế hoạch của EC.