Kon Tum: Hiệu quả công tác thoát nghèo tại huyện vùng biên Ia H'Drai

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện biên giới Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum là hơn 40%. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 7,93%. Để có được kết quả giảm nghèo 'thần tốc' trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện cùng với sự tin tưởng, đồng lòng của người dân nơi đây.

Để phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an ninh - trật tự vùng biên, lãnh đạo huyện Ia H’Drai thường xuyên đến nhà dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân. (Trong ảnh: Đồng chí Võ Anh Tuấn (bên phải) thăm hỏi, động viên gia đình chị Vi Thanh Tuần)

Để phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an ninh - trật tự vùng biên, lãnh đạo huyện Ia H’Drai thường xuyên đến nhà dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân. (Trong ảnh: Đồng chí Võ Anh Tuấn (bên phải) thăm hỏi, động viên gia đình chị Vi Thanh Tuần)

Chị Vi Thanh Tuần cho biết, năm 2010, vì điều kiện kinh tế khó khăn, chị rời quê hương Thanh Hóa đến vùng đất này lập nghiệp. Khi đấy, nơi đây còn rất hoang sơ, điện đường trường trạm còn chưa có, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Thế nhưng vì cảm mến vùng đất này, chị quyết tâm bám trụ, chọn đây là nơi trú thân, lập nghiệp. Xác định thế nên chị đã xin vào làm công nhân Nông trường Suối Đá thuộc Công ty Cao su Sa Thầy. Đến nay chị được giao khoán 8ha cao su, cho thu nhập bình quân hơn 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn chăn nuôi thêm bò, gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.

“Để có được ngày hôm nay, gia đình tôi luôn thầm cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tạo công ăn việc làm. Ngoài việc hỗ trợ chúng tôi con giống như bò, dê, lợn để phát triển kinh tế thì còn có cán bộ xuống đến tận nhà chỉ cho chúng tôi kỹ thuật chăn nuôi, phát triển đàn gia cầm. Nhờ đó, gia đình tôi đã gây được đàn bò 17 con, giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định”, chị Vi Thanh Tuần nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên toàn huyện đã tổ chức quán triệt và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả; việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Với sự chỉ đạo quyết liệt, lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp cho các cấp, các ngành trên địa bàn huyện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được triển khai kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, góp phần bảo đảm thực hiện kế hoạch đã đề ra.

“Huyện xác định người dân là trung tâm trong công tác giảm nghèo. Người dân được tham gia ý kiến trong các buổi họp về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, về kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tham gia góp ngày công lao động, giám sát xây dựng các công trình tại cơ sở; tham gia các mô hình giảm nghèo: nuôi dê, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn, nuôi hươu lấy nhung, nuôi và khai thác cá nước ngọt,… So với những năm trước, người dân có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo và cũng ý thức được các chính sách, chương trình giảm nghèo của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện”, đồng chí Võ Anh Tuấn chia sẻ.

Để công tác giảm nghèo bền vững, đi vào thực chất, huyện Ia H’Drai rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho người dân. Với khí hậu khô cằn, nắng nóng quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp với những cây lấy múi như cây mít, sầu riêng, cam… và cây lấy mủ như cây cao su thì nghề thiết thực nhất là cạo mủ cao su. Hằng năm, huyện phối hợp với các công ty cao su đóng chân trên địa bàn đào tạo nghề cho các công nhân mới. Bên cạnh đó, còn đào tạo “nghề thứ hai” cho các hộ dân là chăm sóc cây trồng, vật nuôi để tận dụng những mảnh đất bờ lô hợp thủy của các công ty cao su, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đồng chí Võ Quang Hiền, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ia H’Drai cho biết, để hỗ trợ nguồn vốn sản xuất cho bà con, các chính sách, dự án ưu đãi dành cho người nghèo được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng huyện đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động bà con mạnh dạn vay vốn chính sách, thực hiện đầy đủ, bảo đảm sát đúng đối tượng, đúng mục đích. Hộ nghèo, cận nghèo được hưởng thụ các nguồn vốn, sau 3 năm hoàn vốn lại cho Nhà nước. Bà con chú trọng đến kỳ trả lãi, trả nợ đầy đủ nên trên địa bàn huyện hiện tại rất tốt về mặt chính sách kể cả an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách xã hội tạo điều kiện cho bà con được vay chăn nuôi, hỗ trợ nhà ở, nước sạch.

Một mặt thuận lợi nữa trong công tác giảm nghèo của huyện Ia H’Drai là thuận tiện về đường sá giao thông. Giao thông trên địa bàn huyện hiện nay rất tốt, được đầu tư nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã liên huyện, liên tỉnh. Như đường Quốc lộ 14C đi xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, chiều ngược lại đi qua Gia Lai, Đắk Lắk. Các đường biên giới tiếp giáp nước bạn được nhựa hóa, bê tông hóa, kèm theo đó là các công ty cao su đều mở đường lô trong cao su nên việc đi lại rất thuận lợi.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian tới, huyện Ia H’Drai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện.

Tích cực, chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực Nhà nước, xã hội và nhân dân để đầu tư thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với các đặc điểm của từng địa phương. Trong đó, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu thiếu yếu cho người dân; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn với Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị với cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định nguồn tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Qua quá trình theo dõi sự phát triển của huyện Ia H’Drai, có thể dễ dàng nhận thấy tỉ lệ hộ nghèo của huyện “tỷ lệ nghịch” với sự đô thị hóa của huyện. Những năm 2021 trở về trước, khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40% thì tốc độ đô thị hóa của huyện diễn ra rất chậm, hiếm khi bắt gặp được những ngôi nhà được xây dựng khang trang trên địa bàn. Thế nhưng, chỉ 2 đến 3 năm trở lại đây, khi các hộ dân di cư đến đây lập nghiệp đã xác định đây là quê hương thứ hai của mình thì họ đã tích cực đóng góp, xây dựng quê hương thứ hai này ngày càng phát triển theo hướng bền vững. “Đất lành chim đậu”, nhiều hộ dân đã vận động họ hàng, người thân ở quê vào huyện Ia H’Drai lập nghiệp. Những căn hộ khang trang được mọc lên, kinh tế - xã hội huyện Ia H’Drai ngày càng phát triển, dần hình thành diện mạo của một đô thị vùng biên.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kon-tum-hieu-qua-cong-tac-thoat-ngheo-tai-huyen-vung-bien-ia-hdrai-388819.html