Châu Âu lo ngại kịch bản tên lửa Nga trút xuống ào ạt
Giới chuyên gia phương Tây lo ngại rằng năng lực phòng thủ tên lửa của châu Âu không theo kịp năng lực của Nga về sản xuất tên lửa tấn công, tạo ra kịch bản châu Âu có thể bị áp đảo nếu tên lửa Nga phóng tới dồn dập.
Theo các ước tính mới, năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo của Nga đã vượt qua kho vũ khí đánh chặn của phần còn lại của châu Âu. Điều này khiến khối quân sự NATO và các thành viên phía Đông của khối này quan ngại.

Tên lửa đạn đạo Iskander. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Cảnh báo trên được phát đi từ Fabian Hoffmann - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, và từ Tổng cục Tình báo quốc phòng của Ukraine. Theo đó, Nga được cho là có năng lực sản xuất khoảng 840 - 1.020 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mỗi năm, bao gồm các hệ thống 9M723 Iskander-M và Kh-47M2 Kinzhal.
Con số mới đánh dấu sự gia tăng mạnh so với ước tính của tháng 12/2024. Sự chênh lệch làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu các hệ thống phòng không hiện nay của châu Âu có đủ sức ứng phó với vũ khí Nga hay không.
Phần lõi trong chiến lược phòng thủ của châu Âu gồm 3 hệ thống đánh chặn chính được thiết kế để vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo đối phương, đó là PAC-3 MSE, PAC-2 GEM-T và Aster 30B1/B1NT.
PAC-3 MSE, do Lockheed Martin phát triển, là hòn đá tảng trong hệ thống Patriot (do Mỹ chế tạo), nổi tiếng với năng lực đánh chặn mục tiêu ở độ cao lớn từ cự ly khoảng 96km khi bay với vận tốc trên Mach 5. Được trang bị radar AN/TPY-2, hệ thống này có khả năng theo dõi nâng cao phục vụ việc đánh chặn tên lửa ở giai đoạn giữa hoặc cuối hành trình bay, nhờ đó trở thành công cụ thiết yếu để đối phó với các tên lửa Iskander. Nghiên cứu của Hoffmann cho thấy, trong năm 2025, phương Tây sẽ sản xuất khoảng 580 đơn vị loại này, với kế hoạch nâng lên thành 680-710 vào năm 2027 và 950-1.050 vào năm 2029.
PAC-2 GEM-T, một biến thể của Patriot, có tầm bay ngắn hơn một chút (khoảng 64km) nhưng vẫn có hiệu quả trước các mục tiêu chậm hơn. Dự kiến sản lượng cho loại này là 270 - 300 đơn vị vào năm 2025, tăng lên thành 420 vào năm 2027.
Trong khi đó, Aster 30B1/B1NT, một sản phẩm hợp tác Pháp - Italy, có tầm bắn lên tới 120km. Hệ thống này được tích hợp radar Thales Arabel, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa cả đạn đạo lẫn khí động lực học. Châu Âu ước tính có thể sản xuất được 220 - 250 hệ thống đánh chặn này trong năm 2025, tăng lên thành 230 - 270 vào năm 2026. Những hệ thống này tạo ra một lưới phòng thủ đa lớp nhưng sản lượng tổng cộng từ 1.070 - 1.130 vào năm 2025 vẫn thấp hơn so với năng lực sản xuất tên lửa của Nga nếu xét từ nhu cầu tác chiến.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (phóng từ máy bay MiG-31) bay với tốc độ lên tới Mach 10 và có thể cơ động linh hoạt giữa lúc bay - điều này càng khiến các hệ thống đánh chặn hiện tại của châu Âu bị giới hạn về hiệu quả.
Tên lửa phòng thủ của châu Âu bị dàn mỏng
Các hệ thống tên lửa đánh chặn của châu Âu hiện tập trung chủ yếu một số nước, nên sẽ có những khoảng trống phòng thủ ở nhiều nơi. Đức có vài tổ hợp Patriot để bảo vệ các trung tâm công nghiệp. Ba Lan và Romania thì bố trí những hệ thống do Mỹ cung cấp này gần biên giới phía Đông do các nước này nằm gần Nga. Pháp, đất nước đi đầu về chương trình Aster, bố trí các đơn vị phòng không này để bảo vệ thủ đô Paris và khu vực phía Nam.
Thế nhưng các nước Baltic, như Estonia, Latvia và Litva thì không được che chắn nhiều như vậy. Các nước Balkan và Nam châu Âu, bao gồm Hy Lạp và Bulgaria, cũng chỉ được bảo vệ hạn chế.
Đức nỗ lực khắc phục yếu kém này của châu Âu bằng khởi xướng sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu vào năm 2022. Sáng kiến điều phối việc mua các hệ thống như IRIS-T SLM và Patriot, với sự tham gia của 24 nước. Tuy nhiên, họ vẫn đối mặt với thách thức, bao gồm những trì hoãn về nguồn tiền và khác biệt trong ưu tiên giữa các nước, khiến tác động của sáng kiến này bị chậm lại cho tới hết năm 2026.
Kịch bản chiến thuật 2 chọi 1
Trong chiến đấu, chiến thuật lấy 2 chọi 1, tức là sử dụng 2 tên lửa đánh chặn nhắm vào một mục tiêu, là nhằm bảo đảm thành công cao. Theo đó, các hệ thống PAC-3 MSE cho phép phóng 100 -125 quả tên lửa mỗi năm ở châu Âu, theo dữ liệu của Hoffmann. Nhưng nếu Nga tấn công cấp tập bằng hơn 840 quả tên lửa thì năng lực của châu Âu sẽ bị áp đảo, khiến họ phải lựa chọn ưu tiên.
Khoảng 840-1.020 tên lửa Nga được cho chiếm lợi thế lớn trước khoảng 590-695 tên lửa đánh chặn của châu Âu. Ngoài ra, châu Âu còn phụ thuộc vào thiết bị cảm biến của Mỹ, nên tình hình cáng bất lợi cho họ.
Hiện châu Âu không có nhiều thời gian để thúc đẩy việc sản xuất tên lửa đánh chặn hoặc thử nghiệm các công nghệ đánh chặn mới như bằng laser hay trí tuệ nhân tạo (AI).