Tình báo vô tuyến: Vũ khí ngầm của Hải quân Mỹ

Trong Thế chiến II, tình báo vô tuyến có tầm quan trọng đặc biệt. các bên đối đầu đều tìm cách giải mã mật mã của nhau để nắm bắt thông tin và kế hoạch của đối phương. Tại khu vực Thái Bình Dương, cuộc chiến này không kém phần khốc liệt so với ở Đại Tây Dương. Một ví dụ điển hình là sự kiện xảy ra ngày 29/1/1943 tại đảo Guadalcanal làm nảy sinh nhiều đồn đoán.

Bước tiến đầu tiên của Mỹ

Mặc dù cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nhật Bản bắt đầu vào tháng 12/1941, nhưng trước đó đã diễn ra một cuộc đấu tranh lâu dài giữa các cơ quan tình báo của hai nước. Năm 1919, Mỹ đạt được thành công lớn đầu tiên trên "mặt trận vô hình", khi nước này giải mã được mật mã ngoại giao của Nhật Bản. Thông tin này vô cùng giá trị đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Washington năm 1921 về việc hạn chế trang bị hải quân.

Công lao này thuộc về nhà mật mã học Herbert Yardley tại "Phòng Đen" - một tổ chức bí mật chuyên tăng cường bảo mật cho các hệ thống mật mã của Mỹ, đồng thời giải mã thông tin mã hóa từ các quốc gia khác. Mặc dù "Phòng Đen" là sản phẩm chung của Quân đội, Hải quân và Bộ Ngoại giao, nhưng tổ chức này chủ yếu hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao. Vì vậy, sau khi Thế chiến I kết thúc, các tướng lĩnh và đô đốc đã thúc đẩy việc thành lập các cơ quan mật mã riêng.

Trận hải chiến tại Midway.

Trận hải chiến tại Midway.

Năm 1924, Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ thành lập một phòng nhỏ chuyên nghiên cứu về mật mã học. Ban đầu, mục đích của nó chỉ là đảm bảo an ninh cho các hệ thống mã của hải quân, còn việc giải mã của các quốc gia khác là công việc phụ. Tuy nhiên, sau này, những ưu tiên đã thay đổi và các chuyên gia mật mã hải quân tập trung vào việc thu thập thông tin về lực lượng Hải quân Nhật Bản.

Quả thực, thành công đầu tiên của họ không phải là một kỳ tích trí tuệ: các điệp viên tình báo Hải quân Mỹ đã xâm nhập vào Lãnh sự quán Nhật Bản ở New York và chụp ảnh các cuốn sổ mật mã của Hải quân Nhật Bản. Nhưng vì không ai biết tiếng Nhật, nên họ phải thuê một nhà truyền giáo từng làm việc tại Nhật Bản để dịch các cuốn sổ này. Để tránh những vấn đề tương tự trong tương lai, Hải quân Mỹ đã tổ chức các khóa học tiếng Nhật cho thủy thủ, và sau đó, gần như tất cả các sĩ quan có trình độ ngoại ngữ đều được cử đi làm việc trong ngành tình báo.

Thành công và thất bại

Vào giữa những năm 1930, quan hệ giữa Nhật và Mỹ rơi vào tình trạng đối đầu căng thẳng. Xung đột vũ trang giữa hai quốc gia dường như ngày càng khó tránh khỏi, vì vậy, hầu hết các lực lượng giải mã của Mỹ đã tập trung vào việc phá mã của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn, vì từ năm 1932, người Nhật bắt đầu sử dụng những hệ thống mã hóa ngày càng tinh vi. Cụ thể, họ bắt đầu sử dụng các máy mã hóa để bảo vệ các thông điệp ngoại giao. Mặc dù vậy, việc giải mã các thông điệp này không gặp quá nhiều khó khăn, nhưng đối với các mã của Hải quân Nhật Bản thì tình hình lại khác.

Nhà mật mã học Herbert Yardley.

Nhà mật mã học Herbert Yardley.

Lý do là vì Hải quân Nhật Bản sử dụng các hệ thống mã hóa thủ công. Năm 1939, các thủy thủ Nhật đã đưa vào sử dụng hai mã mới. Một trong số đó dành cho chỉ huy tối cao, rất khó giải mã do ít khi được sử dụng. Nhưng mã thứ hai, gọi là "JN-25", được sử dụng phổ biến hơn trong các cuộc giao tiếp vô tuyến của Hải quân Nhật Bản. Chính vì vậy mà các chuyên gia giải mã Mỹ tập trung nỗ lực của mình vào nó.

Thực ra, thành công của người Mỹ, cũng như các đối tác Anh và Hà Lan, không lớn lắm. Trong thời kỳ trước chiến tranh, Hải quân Nhật Bản thích truyền lệnh mà không sử dụng vô tuyến. Vì vậy, các nhà mật mã học của phe Đồng minh chỉ nhận được tài liệu để làm việc vào cuối năm 1941, khi lưu lượng các thông điệp của Nhật Bản tăng lên. Nhưng không có sổ mật mã và mã hóa, việc giải mã các thông điệp này là không thể. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người Mỹ vào thời điểm đó vẫn có thể xâm nhập vào mã "JN-25", họ được cho là đã giải mã được khoảng 10% các thông điệp.

Tuy nhiên, ngay cả khi người Mỹ đọc được một số thông tin nào đó, thì việc thay đổi thường xuyên các sổ mật mã "JN-25" đã khiến họ không hiểu được các cuộc trò chuyện của người Nhật. Kết quả là, nhóm tàu sân bay của Hải quân Nhật Bản, giữ im lặng vô tuyến, đã di chuyển từ quần đảo Kuril đến khu vực phía bắc Hawaii, từ đó bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngay tại căn cứ của nó.

Thiên tài tình báo không được công nhận

Việc giải mã mã "JN-25" mới thành công nhờ Joe Rochefort, người đứng đầu nhóm mật mã học tại Hawaii. Cảm thấy có lỗi vì thảm kịch ngày 7/12, Rochefort và các đồng nghiệp của ông đã làm việc gần như suốt ngày đêm để giải mã các thông điệp của Nhật Bản, và cuối cùng đã giải mã được 15% lưu lượng sóng vô tuyến bị chặn. Thành công này có được là nhờ những sai lầm và sự bất cẩn của các phát thanh viên đối phương, cũng như việc mở rộng lãnh thổ của Nhật Bản khiến việc truyền mã mới trở nên khó khăn. Điều này buộc họ phải sử dụng kết hợp các mã cũ và mã mới cho những thông điệp tương tự trong một thời gian dài.

Thành công này đã giúp các tàu ngầm Mỹ giành chiến thắng đầu tiên trong việc tiêu diệt tàu ngầm I-73. Nhờ tình báo vô tuyến, I-73 đã bị tàu ngầm Gudgeon chặn và đánh chìm. Tuy nhiên, công lao lớn hơn của Rochefort là xác định hướng tấn công của các tàu sân bay Nhật Bản vào tháng 6/1942. Trong các cuộc đàm thoại vô tuyến, đối phương gọi mục tiêu là "AF". Rochefort nghi ngờ đó là quần đảo Midway, nên đã gửi tín hiệu về tình trạng thiếu nước ở đó để kiểm tra. Tình báo Mỹ sau đó đã chặn được thông điệp của Nhật Bản: "không có nước ở AF".

Mặc dù Rochefort đóng vai trò quan trọng trong cả chiến thắng tại Midway và chiến thắng ở Thái Bình Dương, nhưng những thành tựu của ông không được đánh giá xứng đáng trong suốt cuộc đời. Nguyên nhân được cho là do mối thù cá nhân của Tham mưu trưởng Hải quân Ernest King, người đã từ chối trao tặng Rochefort huy chương “Vì những thành tích xuất sắc". Cuối cùng, Rochefort chỉ được truy tặng huy chương này sau khi qua đời vào năm 1986.

Tàu cứu hộ Ortholan.

Tàu cứu hộ Ortholan.

Trên những đảo xa

Một thành tựu nổi bật khác của tình báo vô tuyến Hải quân Mỹ là hỗ trợ vụ ám sát Đô đốc Yamamoto, Tham mưu trưởng Hải quân Nhật Bản.

Ngày 24/1, tàu I-1 do Eiichi Sakamoto chỉ huy rời Rabaul, mang hàng tiếp tế cho quân đội ở Guadalcanal. Tình báo Đồng minh phát hiện và cảnh báo tàu I-1 sẽ xuất hiện tại vịnh Kamimbo, khiến các tàu hộ tống Kiwi, Moa của New Zealand và xuồng phóng ngư lôi bắt đầu tuần tra khu vực này.

I-1 đến vịnh vào buổi tối ngày 29/1. Sau khi nổi lên, nó phải lặn xuống một lần nữa vì phát hiện các tàu chiến đối phương. Tuy nhiên, I-1 không thể thoát được, các tàu hộ tống đã đuổi theo và thả bom chìm vào đúng vị trí của nó. Lúc bấy giờ, Sakamoto quyết định cho tàu nổi lên và, vừa bắn trả vừa tìm cách cố gắng đưa tàu vào vùng nước nông. Nhưng ngay khi I-1 xuất hiện trên mặt nước, nó đã bị tàu của New Zealand bắn phá. Hầu hết các thủy thủ Nhật Bản trên cầu tàu, kể cả Sakamoto, đều thiệt mạng.

Sĩ quan ngư lôi Sadaeichi Korida nắm quyền chỉ huy I-1 quyết định không để tàu ngầm bị bắt trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các thủy thủ Nhật Bản đã nã pháo và súng trường vào tàu hộ tống Kiwi, còn Kiwi đáp trả bằng cách đâm vào tàu ngầm nhiều lần. Tuy nhiên, kết quả là Kiwi bị hư hại và buộc phải rút lui khỏi trận chiến.

Lúc bấy giờ, tàu hộ tống Moa tiếp tục truy đuổi I-1. Dưới hỏa lực của Moa, I-1 đã bị đẩy vào bãi cát, và Korida ra lệnh cho những người sống sót rời tàu. Tổng cộng, 66 thủy thủ Nhật Bản đã tới được bờ và gia nhập lực lượng đồn trú tại Guadalcanal. Từ thời điểm này, câu chuyện về tàu ngầm I-1 có một số phiên bản, đan xen với câu chuyện về cái chết của Đô đốc Yamamoto.

Huyền thoại về Yamamoto

Khi rời khỏi tàu ngầm I-1, các thủy thủ Nhật Bản mang theo các cuốn sổ mật mã và sau đó đã tiêu hủy chúng. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng một hộp tài liệu quan trọng bị thiếu. Lúc bấy giờ, Korida quay lại đánh bom tàu ngầm. Dù không thể phá hủy hoàn toàn I-1, nhưng thuốc nổ đã gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến con tàu chìm trong vùng nước nông.

Ngày 9/2/1943, sau khi quân Nhật rút khỏi Guadalcanal, các nước Đồng minh đã tiếp quản tàu ngầm I-1, vốn bị chìm tại vùng nước nông. Đến ngày 13/2, tàu cứu hộ Ortholan của Hải quân Mỹ bắt đầu tiến hành trục vớt tàu ngầm. Kết quả là người Mỹ đã thu được các tài liệu bí mật từ tàu ngầm này.

Người ta thường nói về 200.000 tài liệu mật. Thực ra, theo các ghi chép từ tàu Ortholan, số tài liệu thu được rất ít. Tuy vậy, chúng vẫn cực kỳ giá trị đối với các nước Đồng minh, vì họ được sở hữu một số cuốn sổ mật mã, danh sách các mã hiệu tàu và trạm năm 1942, nhật ký tuần tra của I-1, nhật ký của thủy thủ đoàn và một số tài liệu quan trọng khác.

Một giả thuyết khác cho rằng thông tin thu được từ các tài liệu này đã giúp giải mã các bức điện báo vô tuyến của Nhật Bản, liên quan đến chuyến thanh tra khu vực chiến sự trên đảo Bougainville của Đô đốc Yamamoto. Điều này đã dẫn đến việc bắn hạ máy bay chở Đô đốc Yamamoto vào ngày 18/4/1943.

Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ chỉ huy Hải quân Nhật Bản nhận ra rằng tất cả các tài liệu mã hóa trên tàu I-1 đã bị lộ. Do đó, họ đã ra lệnh hiện đại hóa không chỉ ba hệ thống mã chính của Hải quân Nhật, kể cả JN-25, mà còn cả các mã dùng để giao dịch với người Đức.

Những thay đổi này đã tạm thời vô hiệu hóa hoạt động của các nhà giải mã Mỹ, khiến họ mất khả năng nắm bắt các kế hoạch của đối phương. Sau đó, nhóm các nhà mật mã học của Hải quân Mỹ đã phải tốn rất nhiều thời gian để giải mã tín hiệu mật mã bị chặn liên quan đến chuyến thanh tra của Yamamoto.

Nhưng bất chấp những khó khăn này, việc giải mã các tài liệu trên tàu I-1 đã mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại. Mặc dù việc thay đổi mã số khiến Bộ chỉ huy Nhật Bản tin rằng thông điệp của họ giờ đây được bảo vệ an toàn, nhưng trên thực tế, người Mỹ vẫn có thể đọc được chúng.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tinh-bao-vo-tuyen-vu-khi-ngam-cua-hai-quan-my-i774302/