Châu Âu loay hoay vừa chống dịch vừa tránh tổn hại kinh tế
Trang web Worldometer, hôm qua (13/10), thông tin, thế giới có thêm 310.387 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca mắc toàn cầu lên 38.345.086 ca. Số ca tử vong là 1.090.148 ca, gồm 4.943 ca mới. Hiện châu Âu đang phải xoay sở tìm các biện pháp chống dịch bệnh đang gia tăng nhưng ít ảnh hưởng tới kinh tế nhất.
Hôm qua (13/10), các chính phủ trên khắp châu Âu ban hành các hạn chế trong một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khi châu lục này ghi nhận số ca mắc mới hàng tuần cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có hơn 700.000 ca mắc Covid-19 mới được báo cáo ở châu Âu vào tuần trước, tăng 34% so với tuần trước đó. Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha chiếm hơn một nửa số ca nhiễm mới được ghi nhận trong khu vực.
Số ca mắc ở châu Âu một phần là kết quả của việc xét nghiệm nhiều hơn, nhưng WHO lưu ý số ca tử vong ở đây cũng tăng 16% so với tuần trước đó. Các bác sĩ cũng cảnh báo rằng trong khi nhiều ca mắc hiện đang ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi với các triệu chứng nhẹ, số ca mắc ở tuổi trung niên có thể tăng trở lại, dẫn đến nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở người cao tuổi.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ra lệnh cấm các trò chơi thể thao và tiệc tùng ở những không gian kín. Các cuộc tụ tập riêng tại nhà đông hơn 6 người không sống cùng nhau cũng không được khuyến khích.
Giống như các quốc gia châu Âu khác, Italy cũng đang hạn chế cuộc sống về đêm, các quan bar, nhà hàng phải đóng cửa vào ban đêm. Nước này cũng bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời vào tuần trước. Yêu cầu này cũng được áp dụng tại Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và một số nước châu Á khác. Ở các nơi khác của châu Âu, gồm các điểm nóng như Paris, Brusselss, Kosovo, các thành phố của Đức... việc đeo khẩu trang cũng được yêu cầu.
Mặc dù số ca mắc tăng trở lại nhưng các chính phủ vẫn mong tránh hoàn toàn những lệnh phong tỏa mà họ từng áp đặt, khiến kinh tế tổn hại nặng nề. Thận trọng với các nền kinh tế vốn đang mỏng manh, nhiều nước châu Âu dựa vào một loạt các hạn chế khu vực, đôi khi khiến những người bị ảnh hưởng bối rối và thất vọng.
Tuy nhiên, WHO hôm qua lưu ý tránh tư duy áp dụng cùng những biện pháp hạn chế cho các nơi giống nhau. Phát ngôn viên Tarik Jasarevic của WHO nói rằng lệnh phong tỏa nên là “giải pháp cuối cùng”.
Trong một nỗ lực tránh để người và hàng hóa di chuyển khắp Liên minh châu Âu, các nước thành viên đã thông qua hệ thống đèn giao thông. Theo đó, các nước nhất trí không hạn chế người dân đi lại giữa những khu vực gọi là đèn xanh – nơi có số ca mắc virus corona thấp. Tuy nhiên các chính phủ thuộc EU sẽ tiếp tục đặt ra các hạn chế của riêng họ, chẳng hạn như kiểm dịch hoặc xét nghiệm bắt buộc khi đến đối với những người từ các khu vực màu cam hoặc đỏ - nơi có số ca mắc cao hơn. Theo tiêu chí được thông qua hôm qua, hầu hết các khu vực EU sẽ có màu đỏ hoặc cam.
Trong một diễn biến khác, Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha cho biết cầu thủ Cristiano Ronaldo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ronaldo “không có triệu chứng” và “sẽ không thi đấu với Thụy Điển” trong trận đấu tại Nations League hôm nay – Liên đoàn cho biết. Theo Liên đoàn, phần còn lại của đội tuyển Bồ Đào Nha đều âm tính với Covid-19 sau các cuộc xét nghiệm sáng hôm qua.