Châu Âu nín thở trước nguy cơ nhiễm xạ lục địa từ nhà máy hạt nhân Ukraine

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine - Nga vẫn nóng và có những vụ pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, người dân châu Âu thấp thỏm lo ngại khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân còn khủng khiếp hơn sự cố Chernobyl.

Nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và nằm trong số các nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Các lực lượng quân sự Nga và Ukraine đang chiến đấu quanh nhà máy này. Đạn pháo đã làm hư hại đường dây điện và liên lạc tới nhà máy, khiến người ta e sợ về độ an toàn của nhà máy, đồng thời khơi gợi lại ký ức đau buồn về tai nạn hạt nhân tệ hại nhất thế giới tại Chernobyl vào năm 1986.

Ngoài ra giới chức Nga đã lên kế hoạch ngắt nhà máy này khỏi mạng lưới điện Ukraine. Việc ngắt này được cho là khá mạo hiểm.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Nhà máy điện Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng nước áp lực - các lò này sử dụng nước để vừa duy trì phản ứng phân hạch và làm mát lò phản ứng.

Các lò nói trên khác với các lò RBMK tại Chernobyl - sử dụng graphite thay thế cho nước để duy trì phản ứng phân hạch. Các lò RBMK được cho là không an toàn lắm và chỉ còn 8 chiếc như vậy đang được sử dụng trên thế giới, tất cả đều ở Nga.

Các lò phản ứng ở Zaporizhzhia có thiết kế tương đối tốt. Nhà máy này cũng có một thành tích an toàn đáng kể.

Giới chức Ukraine đã yêu cầu Nga thực hiện vùng đệm an toàn 30km quanh nhà máy này. Tuy nhiên, Nga đã bao vây và chiếm nhà máy vào tháng 3.

Rủi ro nhà máy hạt nhân trúng đạn pháo hoặc tên lửa xuyên phá

Các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng để phục vụ hoạt động thời bình chứ không phải thời chiến.

Tình huống tệ hại nhất là nhà máy loại này trúng phải đạn pháo do pháo kích vô tình hoặc cố tình. Nếu một quả đạn pháo đánh trúng bể chứa nhiên liệu đã sử dụng (trong đó vẫn còn phóng xạ) hoặc nếu hỏa hoạn lan tới bể đó, thì phóng xạ sẽ bị phát tán. Bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng không ở trong vỏ cứng an toàn, và do vậy càng dễ bị tác động từ bên ngoài.

Các vỏ cứng an toàn này (chuyên chứa các lò phản ứng hạt nhân), dẫu vậy, không được bảo vệ trước hành động cố tình pháo kích. Chúng được tạo ra để chịu các vụ nổ nhỏ chứ không phải là vụ nổ lớn.

Đối với các lò phản ứng trong các vỏ chứa cứng, khả năng chịu đựng còn tùy thuộc vào loại vũ khí được sử dụng.

Kịch bản xấu nhất là một tên lửa chuyên phá boong-ke xuyên thủng mái vòm của vỏ cứng bao gồm bê tông tăng cường trên đỉnh lò phản ứng, rồi phát nổ. Khi ấy, lò phản ứng hạt nhân sẽ bị hư hại nghiêm trọng và phát tán phóng xạ ra khí quyển. Đây có thể là một thảm họa Chernobyl thứ 2.

Bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, cần tuần hoàn nước liên tục. Ảnh: AFP.

Bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, cần tuần hoàn nước liên tục. Ảnh: AFP.

Các mối quan ngại kế tiếp

1- Lỗi do con người

Nhân viên tại nhà máy làm việc dưới áp lực, áp lực có thể tăng nguy cơ mắc lỗi và giảm hiệu suất lao động.

Những người vận hành nhà máy là lớp phòng thủ đầu tiên và cuối cùng của cơ sở này. Họ là những người đầu tiên phát hiện ra điều bất thường và người cuối cùng chặn sự cố đó. Nếu có tai nạn, họ là những người đầu tiên dũng cảm tìm cách khống chế sự cố.

2- Mất điện

Vấn đề thứ 2 là nhà máy hạt nhân cần được cấp điện liên tục, điều đó khó duy trì trong thời chiến.

Ngay cả khi tắt lò phản ứng, nhà máy vẫn cần nguồn điện từ bên ngoài để chạy hệ thống làm mát khổng lồ nhằm loại bỏ hơi nóng còn dư thừa trong lò và đưa lò về trạng thái “tắt lạnh”.

Tuần hoàn nước luôn cần để đảm bảo nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ không bị nóng quá mức.

Các bể chứa nhiên liệu đã sử dụng cũng cần tuần hoàn nước thường xuyên nhằm giữ cho các bể đó được mát. Chúng cần được làm mát trong vài năm trước khi được đặt vào các thùng to và khô.

Một trong các vấn đề của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011 là các máy phát điện khẩn cấp (dùng để thay thế nguồn điện bên ngoài bị mất) đã bị ngập nước và không hoạt động được.

Trong những tình huống như thế, nhà máy sẽ mất điện, và không còn điện để chạy hệ thống làm mát. Đây là một trong những tình huống tệ hại nhất có thể xảy ra.

Trong hoàn cảnh đó, nhiên liệu đã qua sử dụng có thể bị nóng quá mức và lớp zirconium phủ bên ngoài có thể tạo ra bong bóng hydro. Nếu không thông khí để phân tán các bong bóng này đi, chúng sẽ phát nổ, làm phán tán phóng xạ.

Nếu mất nguồn điện ngoài, các nhân viên vận hành sẽ phải dựa vào các máy phát điện khẩn cấp, nhưng các máy phát điện này là những cỗ máy lớn. Đã vậy, vẫn cần phải có hệ thống nước làm mát cho chính các máy phát này.

Một mối lo ngại trong trường hợp nhà máy Zaporizhzhia là Ukraine bị mất điện lưới kéo dài. Nguy cơ này gia tăng do xung đột giữa Ukraine và Nga. Các cột điện có thể đổ ngã do đạn pháo.

Văn hóa an toàn hạt nhân giảm trong thời chiến

Quy trình an toàn hay văn hóa an toàn có thể bị suy yếu trong bối cảnh chiến tranh, mà văn hóa an toàn đó lại rất thiết yếu đối với việc quản lý nhà máy điện hạt nhân.

Văn hóa an toàn trong nhà máy giống như hệ miễn dịch trong cơ thể người, giúp bảo vệ chúng ta trước các mầm bệnh và bệnh tật.

Cụ thể trong trường hợp nhà máy Zaporizhzhia, các nhân viên tại đây có thể đã bị căng thẳng và mệt mỏi. Việc bảo trì nhà máy cũng có thể gặp khó khăn do thiếu nhân viên hoặc thiếu linh kiện thay thế.

Trong điều kiện chiến tranh, các dịch vụ như phòng cháy chữa cháy cũng bị xáo trộn và lực lượng cứu hỏa có thể không có sẵn để đáp ứng tình huống hỏa hoạn khẩn cấp tại nhà máy./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: The Conversation

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/chau-au-nin-tho-truoc-nguy-co-nhiem-xa-luc-dia-tu-nha-may-hat-nhan-ukraine-post966990.vov