Châu Âu nới lỏng hạn chế Covid-19 vì sức ép nhân lực và Omicron ít 'nguy hiểm'

Các chính phủ châu Âu đang nới lỏng các quy tắc Covid-19 để giữ cho các bệnh viện, trường học và dịch vụ khẩn cấp tiếp tục hoạt động. Biến thể Omicron dễ lây lan nhưng ít gây chết người cũng thay đổi cách tiếp cận của họ với đại dịch.

Áp lực thiếu hụt nhân sự

Khi biến thể Omicron dễ lây lan hơn trở nên chiếm ưu thế và buộc hàng trăm nghìn người phải cách ly, áp lực ngày càng tăng lên các nhân viên y tế, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa. Các giáo viên cũng đang trong tình trạng căng thẳng khi trường học trở lại sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt ở lĩnh vực y tế, đã khiến các quốc gia như Anh phải nới lỏng hạn chế Covid. Ảnh: RT

Đồng thời, dữ liệu cho thấy Omicron ít có khả năng lấp đầy giường bệnh, đặc biệt khi nhiều hoặc hầu hết mọi người hiện đã được tiêm chủng, do đó khuyến khích các chính phủ giảm các biện pháp cách ly, để tập trung củng cố nền kinh tế đang bị suy yếu.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số giờ làm việc bị mất vì đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2020 tương đương với 258 triệu việc làm toàn thời gian. Vào năm ngoái, con số này vẫn lên tới khoảng 125 triệu việc làm.

Cộng hòa Séc cho biết hôm thứ Hai (10/1) sẽ cho phép những nhân viên quan trọng như bác sĩ và giáo viên đi làm sau khi xét nghiệm Covid-19 dương tính.

Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Bỉ cũng đều đã cắt giảm thời gian cách ly trong 3 tuần qua và nới lỏng một số điều kiện để nhân viên bị nhiễm Covid trở lại làm việc.

Nhà kinh tế Stefan Kuhn của ILO cho biết: “Các chính phủ đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc áp đặt các đợt phong tỏa lớn hoặc thậm chí chỉ áp đặt các biện pháp nhỏ để đối phó với làn sóng Omicron”.

Đại dịch đang bão hòa?

Pháp và Thụy Sĩ đều đã cắt giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ở Anh, mức giảm tương tự cũng được áp dụng nếu người bị nhiễm có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong hai ngày liên tiếp - điều mà Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết là có hiệu quả tương đương với 10 ngày cách ly.

Tại Tây Ban Nha - nơi tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 14 ngày đạt kỷ lục mới là 2.723 trường hợp trên 100.000 người vào thứ Sáu, cao hơn 10 lần so với đầu tháng 12 - cũng đang gặp khó khăn về nhân lực ở hầu hết các lĩnh vực.

Công đoàn cảnh sát quốc gia cho biết nhiều sĩ quan phải làm việc theo ca kép vì nhiều đồng nghiệp đang trong tình trạng bị cách ly. Nhà điều hành tàu hỏa quốc gia Renfe cho biết số tài xế nghỉ vì Covid-19 tăng gấp đôi so với đầu tháng 12 và họ đã phải hủy khoảng 40 chuyến tàu vào thứ Sáu.

Rafael Bengoa, đồng sáng lập Viện Y tế và Chiến lược Bilbao cho biết: “Các đại dịch không kết thúc sau một đợt bùng phát lớn mà với các đợt nhỏ vì rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng.

Cựu quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) này còn nói thêm: “Sau Omicron, chúng ta không cần phải bận tâm đến bất cứ điều gì hơn là những đợt bùng phát nhỏ lẻ".

Anh Huy (theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-noi-long-han-che-covid-19-vi-suc-ep-nhan-luc-va-omicron-it-nguy-hiem-post176776.html